Thừa Thiên Huế thay đổi diện mạo để “chuyển mình”

0:00 / 0:00
0:00
Thừa Thiên Huế quyết tâm tạo thế và lực từ cơ chế, chính sách đặc thù để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cầu Trường Tiền - niềm tự hào trong lòng mỗi người con xứ Huế Cầu Trường Tiền - niềm tự hào trong lòng mỗi người con xứ Huế

Giá trị riêng về di sản văn hóa Huế

Nói đến Huế, dường như ai cũng có thể cắt nghĩa về đất trời và con người xứ sở ấy bởi bản sắc văn hóa đậm đà, riêng biệt. Nhưng bản sắc không phải là bất biến, nên Huế cần nhận diện lại mình để phát triển.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cuối năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Để tạo đột phá trong du lịch, dịch vụ, thương mại giai đoạn 2020 - 2025, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực, triển khai giải pháp nhằm tạo môi trường và cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh các loại hình thương mại, du lịch, dịch vụ cao cấp, khai thác tiềm năng về ẩm thực, văn hóa truyền thống, đầu tư các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp...

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã đặt ra một số chỉ tiêu. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí đặc thù. Trong đó, trọng tâm là các tiêu chí về văn hóa đặc sắc và đô thị di sản. Hoàn thành việc mở rộng TP. Huế theo quy hoạch trước năm 2022. Tăng trưởng GRDP 7,5 - 8,5%/năm, phấn đấu cân bằng ngân sách vào năm 2025. Đến năm 2025, GRDP tính theo đầu người đạt 3.500 - 4.000 USD/năm. Giai đoạn 2026 - 2030, tăng trưởng GRDP đạt 7 - 8%/năm, GRDP tính theo đầu người đạt 5.500 - 6.000 USD/năm.

Nhận diện bản sắc văn hóa, từ đó xác định các vấn đề then chốt để định hướng phát triển Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng đô thị di sản trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết.

GS-TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, những yếu tố liên quan đến văn hóa Huế - văn hóa Phú Xuân là điểm mạnh của Huế mà không nơi nào có được. Bên cạnh những di sản văn hóa đã được xếp hạng, Thừa Thiên Huế vẫn còn rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần khác rất độc đáo, riêng có, nhưng vẫn chưa được quan tâm gìn giữ một cách hợp lý và thỏa đáng.

Bày tỏ nhiều ý kiến tâm huyết, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất Thừa Thiên Huế nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có của mình, như Nhã nhạc, ca Huế… Đồng thời, cần soát xét lại toàn bộ số liệu liên quan đến đô thị, như dân số và hạ tầng. “Việc Thừa Thiên Huế được công nhận là đô thị di sản trực thuộc Trung ương sẽ là một động lực quan trọng, tạo cú hích lịch sử để Thừa Thiên Huế bước vào thời kỳ phát triển mới”, ông Hoa nêu rõ.

Chia sẻ vấn đề này, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, việc Thừa Thiên Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những tiêu chí về đô thị di sản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với việc tạo cho Huế một vị thế ngang tầm với 5 đô thị trực thuộc Trung ương hiện nay.

“Đây cũng là cơ sở quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, bảo tồn di sản, đồng thời là cơ hội để giải quyết những mâu thuẫn muôn thuở giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa trầm lắng của người Huế với sự năng động, đổi mới, sáng tạo”, ông Thọ nhấn mạnh.

Diện mạo mới

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đang đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Đồng thời, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống với đổi mới, sáng tạo; giữa thành thị và nông thôn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế.

Văn hóa cung đình đã làm nên tính đặc thù trong lối sống.

Ngoài việc tiếp nhận tư tưởng Á Đông và Tây phương, tiếp biến giữa văn hóa dân gian với cung đình cũng là yếu tố quan trọng để làm nên bản sắc Huế. Do Huế là kinh đô, nên người Huế tiếp nhận nhiều hơn ảnh hưởng của văn hóa cung đình, làm nên tính đặc thù trong lối sống.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh

Sẽ quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm theo hướng đặc thù trực thuộc Trung ương. Khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Ðại Nội (Hoàng thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh; bảo tồn phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ Phước Tích.

Đặc biệt, việc mở rộng đô thị Huế đứng trước nhiều lợi thế để phát triển kinh tế địa phương, nhưng cũng đối mặt với nhiều thử thách.

Theo Đề án, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận). Sau khi mở rộng, diện tích của TP. Huế mới sẽ khoảng 348,54 km2, gấp 5 lần hiện tại.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho rằng, TP. Huế hiện tại sẽ là phần lõi để mở rộng về hai hướng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) và biển Thuận An (huyện Phú Vang). Việc mở rộng như vậy sẽ tạo thuận tiện cho giao thông đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế của địa phương.

“Bên cạnh việc mở rộng Thành phố để tăng diện tích, tạo các khu đô thị vệ tinh cho lõi thành phố hiện tại, thì hướng chính để thúc đẩy thành phố phát triển mạnh hơn là kéo biển và sân bay lại gần nhau hơn. Sân bay Phú Bài và biển Thuận An là hai chân kiềng hết sức quan trọng trong việc tạo động lực để phát triển TP. Huế”, ông Định nhấn mạnh.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được phân thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I (2020 - 2025) xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2025 theo hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, làm cơ sở nghiên cứu lập Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Giai đoạn II (2025 - 2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn I, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung TP. Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị bao gồm TP. Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng gồm một phần thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với quy mô khoảng 348 km2.

Từ đô thị trung tâm TP. Huế hiện hữu, hình thành 2 trục phát triển đô thị, gồm trục kinh tế và trục du lịch. Cụ thể, trục kinh tế phát triển Bắc - Nam theo hướng Phong Điền - Hương Trà - TP. Huế - Hương Thủy - Chân Mây được tạo thành trục giao thông chính quốc gia, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trong khi đó, trục phát triển xanh, sinh thái, du lịch Đông - Tây, hình thành các đô thị ven biển, công viên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và phía Tây huyện Nam Đông, A Lưới trở thành không gian xanh, không gian văn hóa đồng bào dân tộc, lịch sử cách mạng...

Hương Việt
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục