Xuống cấp trầm trọng
Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế) bao gồm 5 dãy nhà A, B, C, D, E (từ 2 đến 5 tầng). Khu chung cư là nơi sinh sống của 219 hộ gia đình, cá nhân, trong đó gồm nhiều cán bộ, nguyên cán bộ, người lao động đang làm việc tại các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn TP Huế. Khu chung cư được xây dựng trong khoảng thời gian năm 1977-1991.
Sau hàng chục năm sử dụng, đến nay, các khu nhà thuộc Khu chung cư Đống Đa đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, công năng hết sức lạc hậu. Cùng với đó, trong quá trình sinh hoạt, việc các cá nhân, hộ gia đình tùy tiện đập phá, dỡ bỏ các bức tường, kết cấu chịu lực tại khu nhà A cũng như các khối nhà khác đã làm mất an toàn chịu lực công trình, có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ tòa nhà.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương cải tạo đợt 1 Khu chung cư Đống Đa. Trong đó, tập trung vào 3 dãy nhà A, B, C (các dãy nhà được xây trước trong tổng số 5 dãy nhà thuộc khu chung cư), với diện tích khu đất hiện trạng là 8.664 m2. Đây là dãy nhà được bao quanh bởi 3 trục đường Đống Đa, Lê Hồng Phong và Võ Văn Tần, cùng một phần vị trí thuộc vào khu đất ký hiệu B1 thuộc đồ án Quy hoạch chi tiết trục đường Đống Đa - Lý Thường Kiệt.
Tuy vậy, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ thực hiện công tác này chưa đảm bảo yêu cầu.
Để có cơ sở cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao Sở Xây dựng thực hiện việc điều tra, khảo sát và kiểm định chất lượng các khối nhà chung cư. Và đến ngày 12/5/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 3906/UBND-XD kết luận kiểm định chất lượng hiện trạng của Khu chung cư Đống Đa.
Kết quả kiểm định cho thấy, hiện trạng dãy nhà A có mức độ nguy hiểm cấp độ D với khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.
Dãy nhà B, C, D có mức độ nguy hiểm cấp độ C với khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ.
Dãy nhà E có mức độ nguy hiểm cấp độ B, khả năng chịu lực của kết cấu cơ bản đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, cá biệt có cấu kiện ở trạng thái nguy hiểm, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.
Căn cứ vào kết quả kiểm định trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch tiến hành cải tạo, xây dựng lại các dãy nhà A, B, C để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân. Đối với các dãy nhà D, E, tỉnh sẽ tiến hành cải tạo, xây dựng lại khi các dãy nhà này không còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng theo quy định.
Giao quyền cho người dân tự lựa chọn nhà đầu tư
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã được UBND tỉnh phê duyệt và công bố, các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư sẽ có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn để thực hiện dự án.
Trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng và nhà chung cư chưa thuộc diện bị phá dỡ nhưng nằm trong khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với khu nhà ở thuộc diện bị phá dỡ thì sau thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh công bố công khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nếu người dân không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư thực hiện dự án thì UBND tỉnh có trách nhiệm cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện việc đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó.
Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ trưởng Tổ dân phố Đống Đa, chung cư Đống Đa cho biết:“ Chúng tôi thống nhất với chủ trương của tỉnh trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa là rất hợp lý. Người dân chúng tôi rất mong chủ đầu tư tham gia phải có năng lực kinh tế, cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trong vòng 3 năm nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân”.
Trước các kiến nghị của người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định khẳng định, trong quá trình triển khai cải tạo, xây dựng lại Khu chung cư Đống Đa, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở ngành liên quan sẽ tư vấn, hỗ trợ và cùng người dân tháo gỡ những vướng mắc.
Phó chủ tịch Phan Thiên Định cũng khẳng định, việc cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa không phải là thu hồi đất của người dân để cấp cho chủ đầu tư mà là người dân lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình. Quyết định lựa chọn nhà đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại khu chung cư là do chính người dân thống nhất sau khi tiến hành tổ chức hội nghị các cư dân trong khu chung cư .
“Trong quá trình nghiên cứu thực hiện, lãnh đạo tỉnh và các ngành có liên quan luôn trăn trở, làm sao cho cuộc sống của bà con khi thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại Khu chung cư Đống Đa thì phải được tốt hơn, thoải mái hơn, an toàn hơn cũng như đảm bảo các quyền lợi chính đáng cũng như đảm bảo cuộc sống thuận lợi cho bà con”, Phó chủ tịch Phan Thiên Định cho biết.
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, dự án cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa đang triển khai ở bước thông báo và công khai kết luận kiểm định, thống nhất các nội dung xây dựng mới với các hộ dân nên chưa xác định được tổng mức đầu tư.
Sắp tới đây, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đối thoại với các hộ dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của người dân sống tại chung cư để có cơ sở cho việc tiến hành lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại theo quy định.