Đây là nhận xét không chỉ riêng về vụ án liên quan tới Trung tâm dịch vụ khách hàng viễn thông Hà Tĩnh mà Báo Đầu tư Chứng khoán đã đưa tin, bởi việc hình sự hóa các tranh chấp thương mại đang tạo ra những tiền lệ xấu cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo đó, phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo liên quan đến Trung tâm dịch vụ khách hàng viễn thông Hà Tĩnh dự kiến diễn ra ngày 30/6 tới đây đã bị hoãn. Nguyên nhân, theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh do thẩm phán Trần Hồng Hải ký, là “do yêu cầu công việc” nên thay đổi thời gian xét xử.
Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau nhưng theo Bộ luật Tố tụng hình sự, trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoãn, phiên tòa phải được mở lại.
Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã thông tin, bị cáo Trần Tố Loan, với tư cách là Giám đốc Công ty TNHH Huy Phong đã ký hợp đồng mua bán sim thẻ với Trung tâm dịch vụ khách hàng viễn thông Hà Tĩnh, tổng giá trị hàng hóa sau khi chiết khấu là hơn 2 tỷ đồng và được chậm trả trong thời hạn 3 - 15 ngày. Sau khi bán hàng, Công ty không trả tiền cho nhà cung cấp mà sử dụng làm vốn quay vòng và trả nợ cá nhân dẫn đến không thanh toán được tiền hàng.
Vụ án được khởi tố từ năm 2013 và đã đưa ra xét xử nhiều lần. Ban đầu, bị cáo Trần Tố Loan bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó chuyển tội danh sang Sử dụng trái phép tài sản.
Tòa án nhân dân TP. Hà Tĩnh đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Loan 3 năm 6 tháng tù giam với nhận định sim thẻ là của Trung tâm, bị cáo mua về, bán, thu tiền nhưng không trả tiền hàng cho Trung tâm là sử dụng trái phép tài sản. Ở cấp phúc thẩm, bản án này bị hủy vì xét thấy việc điều tra, truy tố, xét xử “không đúng hành vi phạm tội”.
Sau khi điều tra lại, bị cáo Trần Tố Loan bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt nặng hơn, 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Cáo buộc cho rằng “mặc dù biết mua sim thẻ điện thoại về bán sẽ lỗ vì chiết khấu thấp hơn giá thị trường nhưng Trần Tố Loan vẫn mua và đưa ra thông tin là mua nợ hàng bán quay vòng vốn để lừa dối Trung tâm dịch vụ khách hàng Viễn thông Hà Tĩnh”.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội), quan điểm buộc tội như vậy là rất khiên cưỡng, gây oan sai. Cấu thành quan trọng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có thủ đoạn gian dối, nhưng trong vụ việc này hoàn toàn không có gì gian dối, lừa đảo. Hai pháp nhân ký kết hợp đồng giao dịch và có điều khoản thỏa thuận trả chậm. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì bên còn lại có quyền khởi kiện để đòi nợ. Không có căn cứ để quy kết việc “mua nợ để quay vòng vốn” là lừa dối.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần phân biệt rõ trách nhiệm giao kết hợp đồng của công ty TNHH với đối tác hoàn toàn khác với giao kết giữa các cá nhân với nhau. Đây là quan hệ thương mại khác biệt với quan hệ dân sự.
Trong quan hệ hợp đồng giữa công ty và một pháp nhân, việc vỡ nợ, không thực hiện được trách nhiệm hợp đồng cần được xử lý theo cơ chế giải quyết tranh chấp về kinh tế, thương mại. Người có quyền có thể kiện ra toà án, mang vụ việc ra trọng tài để đòi khoản nợ của mình. Trong trường hợp công ty không có khả năng trả nợ, có thể kiện ra toà yêu cầu tuyên bố phá sản.
“Thử tưởng tượng mỗi năm có hàng trăm nghìn công ty tranh chấp, nếu đều bị truy cứu hình sự khi không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán thì ai còn dám bỏ tiền ra kinh doanh và hệ thống nhà tù không đủ sức đáp ứng các tù nhân. Điều này tạo ra một tiền lệ rất xấu đối với môi trường kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, thẩm định, tìm hiểu, tự chịu trách nhiệm về đối tác mình giao dịch là trách nhiệm của các bên trong giao kết hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng với một công ty, người giao dịch cần phải tìm hiểu, truy xét về nguồn gốc, uy tín của đối tác mình dự định giao dịch, không thể đẩy hết trách nhiệm và trông chờ vào cơ quan công an.
“Tôi cho rằng, việc hình sự hoá quan hệ kinh tế, thương mại như vụ việc tại Công ty Huy Phong ở Hà Tĩnh có thể xem là điển hình của trường hợp hình sự hoá một quan hệ kinh tế, thương mại”, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.