Thư viện Geisel khoa học viễn tưởng trở thành sự thực

(ĐTCK) Cấu trúc khác lạ của Thư viện Geisel tại Đại học California, San Diego (Mỹ) dường như rất phù hợp với khung cảnh của một bộ phim khoa học viễn tưởng. Công trình này là sự kết hợp đáng ngạc nhiên giữa chủ nghĩa thô mộc và thuyết vị lai mà kiến trúc sư William Pereira đã dũng cảm theo đuổi trong suốt sự nghiệp của mình.
Thư viện Geisel khoa học viễn tưởng trở thành sự thực

William Pereira được nhận định là một trong những kiến trúc sư bị đánh giá chưa tương xứng với đóng góp của mình trong ngành thiết kế thế kỷ XX.

Tuy nhiên, thực tế, mặc kệ những nhận định nhiều chiều, Pereira đã tận hưởng thú vui sáng tạo với hàng loạt các công trình trên khắp nước Mỹ trong khoảng thời gian từ những năm 1960 tới 1970.

Năm 1965, ông được trao nhiệm vụ xây dựng thư viện của Đại học California nhờ danh tiếng về những thiết kế bắt mắt và đầy tính sáng tạo.

Tòa nhà thuộc khuôn viên của Đại học California, nơi quy tụ nhiều công trình đặc sắc về cả thiết kế và ý nghĩa lịch sử, đồng thời được xây dựng tại vị trí được đánh giá là có địa thế đáng giá nhất của ngôi trường.

Vì vậy, công trình cần được thiết kế với vẻ bề ngoài xứng đáng và Pereira dường như là nhà thiết kế phù hợp nhất.

Để phát triển bản phác thảo thiết kế Thư viện Geisel, Pereira đã nghiên cứu và phân tích hàng tá thư viện các trường đại học khác. Từ đó, ông tạo ra lý luận về việc kiểu dáng nào sẽ hiệu quả hơn trong việc cung cấp các chức năng phục vụ mục tiêu của công trình.
Trong đó, ông đặc biệt chú ý tới yếu tố phân bổ ánh sáng, khả năng bày trí kệ sách hỗ trợ việc tìm kiếm và tiềm năng mở rộng trong tương lai.

Kết quả của quá trình nghiên cứu là tòa nhà 8 tầng với cấu trúc đặc biệt: 2 tầng ngầm và 6 tầng với kích thước khác nhau trên bề mặt. Một trục lõi bao gồm cầu thang, thang máy và hệ thống cơ khí chạy thẳng theo tòa nhà.

Hệ thống bệ đỡ là các khối bê tông rắn chắc tạo góc 45 độ về các phía, với mục tiêu tạo kết cấu đơn giản nhưng làm nổi bật được cấu trúc của tòa nhà.
Tại mỗi tầng, các tấm kính khổng lồ cùng thanh nhôm định hình giúp tòa nhà đón nhận ánh sáng từ mọi phía, đồng thời, việc sử dụng các tấm kính giúp phản chiếu hoặc đôi khi hòa lẫn hoàn hảo với nền trời phía sau.
Màu sắc của tấm kính sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào thời tiết và thời gian trong ngày, tạo nên vẻ ngoài sinh động, tạo cảm hứng cho sự đổi mới.

Mặc dù gây nhiều tranh cãi về giá trị thiết kế, tuy nhiên, với cộng đồng Đại học California, Thư viện Geisel rõ ràng là biểu tượng đặc trưng nhất khi hình ảnh công trình xuất hiện trong logo của trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tư Thuần (Theo báo chí nước ngoài)
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục