Thủ tướng yêu cầu loại bỏ chi phí bất hợp lý của trạm BOT

Thủ tướng cho rằng cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành chiều 23/4. Ảnh: VGP Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành chiều 23/4. Ảnh: VGP

Chiều 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, địa phương về các dự án BOT giao thông đường bộ.

Đánh giá các dự án BOT có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có yếu kém như thời gian thu, mức thu, miễn giảm cho người dân khu vực trạm BOT..., Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung khắc phục tồn tại, chú ý loại bỏ chi phí bất hợp lý của trạm BOT.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở các bộ, ngành thực hiện nghiêm công điện số 82 của Thủ tướng về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT. Những người có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội, gây ùn tắc giao thông phải bị xử lý nghiêm.

"Cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa này", Thủ tướng nhắn nhủ.

Mức phí tự động không dừng phải hợp lý

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với lộ trình chuyển sang thu phí tự động không dừng như báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và khuyến khích các trạm BOT nhanh chóng chuyển sang loại hình này.

"Bộ Giao thông cần sớm công bố lộ trình cho người dân, doanh nghiệp biết, giám sát", Thủ tướng chỉ đạo.

Về mức thu tại các trạm không dừng, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để công bố mức phí hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay. Bộ Giao thông cũng có nhiệm vụ theo dõi, xử lý kịp thời các tình huống và báo cáo Thủ tướng.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và quyết toán một phần hoặc toàn bộ chi phí hàng loạt dự án BOT, BT, với giá trị quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 20%.

Trong 9 tháng năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng tại 22 dự án giao thông, tương ứng giảm doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng.

Đánh giá cao con số này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần minh bạch trong triển khai dự án BOT. Xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vừa qua, các dự án BOT đã được kiểm tra, kiểm toán để loại bỏ những chi phí bất hợp lý trong quá trình xây dựng.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục