Thủ tướng yêu cầu dòng tiền không nên “chảy” vào một số đại gia lớn

Theo yêu cầu của Thủ tướng, huy động vốn ngân hàng không nên "chảy" vào một số đại gia lớn, mà dòng tiền phải "chảy" vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là đầu tư sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình 6 vấn đề Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình 6 vấn đề

Sáng nay 18/7, Tổng công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước. Đoàn kiểm tra do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn.

Theo đánh giá của ông Mai Tiến Dũng, điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước có sự chủ động linh hoạt thành công, thể hiện qua lãi suất, tỷ giá ổn định, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay ổn định hơn, có thời điểm có giảm.

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng khá tốt, huy động cũng tăng, dự nợ cũng tăng; mục tiêu tăng trưởng tín dụng tập trung hướng vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp...

Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Chính phủ, trong 477 nhiệm vụ mà Chính phủ giao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành 397 nhiệm vụ. Đến nay, nhiệm vụ mà NHNN chưa hoàn thành còn 83 vụ, trong đó có 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành và quá hạn, còn lại chưa hoàn thành nhưng vẫn trong thời hạn.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt lại 6 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN giải trình và có các hướng giải quyết.

Thứ nhất, về tăng trưởng tín dụng, hạ lãi suất cho vay. Theo Chính phủ, đây là vấn đề quan trọng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải đạt được từ 18-20%, làm thế nào để có giải pháp huy động và cho vay.

"Thủ tướng có nói tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương là huy động không nên chảy vào một số đại gia lớn, mà dòng tiền phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hay nói cách khác là đầu tư sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, buổi làm việc này Tổ công tác của Chính phủ cũng nhằm kiểm tra việc Thủ tướng giao NHNN chỉ đạo các NHTM phấn đấu giảm lãi suất thêm mức từ 0,5% - 1%/năm.

Ông Dũng tính toán, với dư nợ tín dụng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất thêm mức 1%/năm thì các doanh nghiệp đã dành được 50.000 tỷ đồng tái sản xuất kinh doanh. Hay nợ công trong nước khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1%, chúng ta tiết kiệm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thứ hai, về xử lý nợ xấu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá: Muốn hạ lãi suất phải xử lý nợ xấu, nhưng xử lý nợ xấu không phải một chốc một lát mà cần phải có lộ trình.

NHNN có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là phải tổ chức thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết, số liệu phải chính xác, hướng dẫn các tổ chức tín dụng hạch toán thu chi, tài sản đảm bảo...

Thứ ba, Thủ tướng nhắc Thống đốc NHNN sớm đề xuất Thủ tướng huy động nguồn lực trong dân, vì nguồn lực này rất lớn.

Ví dụ như huy động USD, thay vì gửi với lãi suất 0% như hiện nay thì ngành ngân hàng có chính sách huy động để nguồn lực đó đi vào đầu tư, vào sản xuất kinh doanh; tuy nhiên, việc huy động này phải đảm bảo mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.

Thứ tư, vấn đề sở hữu chéo, Chính phủ yêu cầu NHNN cần kiểm soát tốt hơn.

Thứ năm, Chính phủ đề nghị ngân hàng quan tâm tới việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn liên quan tới tài sản thế thấp.

Thứ sáu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng cần quan tâm tới an toàn thông tin cho người gửi tiền và an toàn thông tin mạng...

Theo Dân Trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục