Thủ tướng: Tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Đây là thông điệp được Thủ tướng nhấn mạnh khi bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10, trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 (Ảnh: VGP) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 (Ảnh: VGP)

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 sáng nay (2/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra nhiều điểm sáng về tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 9 và 9 tháng năm 2020.

“Mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt”, ông nói.

Nhắc đến các sự kiện quan trọng của đất nước trong tháng 9, trong đó có kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Đại hội đồng AIPA lần thứ 41, 14 địa phương tổ chức Đại hội Đảng bộ, tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước…, Thủ tướng đánh giá là “thành công và hết sức ấn tượng”.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá, chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19 và lần này, đã thay đổi cách thức, cách làm trong việc ngăn chặn chứ không như lần 1. Đến nay, đã 30 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý không được chủ quan.

Phiên họp Chính phủ hôm nay có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường năm 2020, từ đó có thể đánh giá kết quả cả năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch 2021.

Về kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2020, Thủ tướng cho rằng, tình hình ngày càng tốt hơn. Quý III có sự tăng trưởng tốt hơn, đặc biệt các ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020.

Từ tăng trưởng quý III đạt 2,62%, đây là cơ sở để nhận định rằng chúng ta có thể tăng trưởng dương trong năm 2020. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.

Nêu ra một số điểm sáng, Thủ tướng cho rằng, xuất siêu 17 tỷ USD là con số kỷ lục. Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Trong đó, ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu trên 41 tỷ USD với 12 cơ sở, nhà máy chế biến được đưa vào hoạt động.

Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD. Các chỉ tiêu vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào. Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Người nông dân “được mùa, được giá”, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh.

Nhắc lại việc mới tổ chức hội nghị về chống hạn tại tỉnh Tiền Giang, trong đó bàn về chuyển đổi thời vụ trước tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL một cách kịp thời, Thủ tướng nhấn mạnh, “năm nay, chúng ta cương quyết chỉ đạo sớm hơn trong lĩnh vực nông nghiệp”.

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV và thời gian tới. Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, cầu tiêu dùng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo.

Lao động việc làm quý III phục hồi , tăng 1,5 triệu người so với quý II.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Thủ tướng, trong tháng 9, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Đề nghị thảo luận các mặt bất cập, hạn chế, Thủ tướng cho rằng, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm.

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn ở mức thấp so với tiềm năng, kỳ vọng mà chúng ta đặt ra đầu năm.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn, đóng góp nhiều giải pháp quan trọng để đạt kỳ vọng này, đạt kết quả tốt nhất trong quý IV, chuẩn bị đà cho kế hoạch năm 2021 và các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước”.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 (Ảnh: VGP)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 (Ảnh: VGP)

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua nhưng là nỗ lực đáng ghi nhận.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5%.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ cũng sẽ dành thời lượng để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử…

Kỳ Thành
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục