Thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng thu hút dòng vốn FDI từ Hoa Kỳ, tạo thuận lợi về môi trường đầu tư, phát triển kinh tế số, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid19...là những nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5 tại Hà Nội sáng 8/3.
Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) đồng tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển thực chất, toàn diện, trên cả bình diện song phương và đa phương, trong nhiều lĩnh vực.
Năm 2021, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đạt được những kết quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực và đều cùng nhau hướng tới những mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong những năm tới.
Gần ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng từ mốc 450 triệu USD năm 1995 khi hai nước bình thường hóa quan hệ, lên mốc hơn 110 tỷ USD trong năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu nên hết sức quan tâm và tập trung xử lý. Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; toàn cầu phải đoàn kết, công bằng, công lý trong chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ, cũng như bạn bè quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục này. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ trong việc hoàn thiện thể chế về chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, công nghệ sạch; đào tạo nguồn nhân lực xanh; công nghệ quản trị xanh...
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, củng cố hoạt động đầu tư, thương mại giữa 2 bên, đặc biệt là các dự án xanh, tiến tới giảm phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đây là một tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay và được Việt Nam thực hiện trên tất cả các lĩnh vực...
"Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh...
Hướng tới tương lai, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng khẳng định quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn còn dư địa lớn để phát triển.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Vai trò này dự báo còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, các công ty và nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Giám đốc Điều hành AmCham Adam Sitkoff cho biết: “Tôi tin tưởng rằng, xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn và các vấn đề chính được nêu ra tại hội nghị hôm nay sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm tăng cường sức mạnh cho khu vực tư nhân, đảm bảo phát triển kinh tế và xã hội, thu hút thêm đầu tư và thúc đẩy thịnh vượng tại Việt Nam”.
Chủ tịch AmCham John Rockhold cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng sự tham gia hợp tác với Chính phủ và tin rằng, đối thoại mạnh mẽ giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp những chính sách công tối ưu hơn. Ông và các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất vinh dự được Thủ tướng dự và chỉ đạo Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh 2 nước.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhận định: “Qua 5 năm được tổ chức thành công, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ trở thành sự kiện được mong đợi nhất của doanh nghiệp hai nước”.
Bằng sự năng động, sáng tạo, đổi mới để thích ứng với trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã chủ động kết nối và hợp tác với nhau để cùng nhau phát triển. Đây chính là một trong những nhân tố chính định hình quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.