Phiên họp Chính phủ tháng 10 có ý nghĩa quan trọng, diễn ra trong lúc Quốc hội đang họp kỳ thứ 4. Phiên họp Chính phủ diễn ra 1 ngày
Trước hết Chính phủ sẽ nghe báo cáo và thảo luận về:
(1) việc khắc phục hậu quả bão, lũ vừa qua và các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới;
(2) tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017;
(3) rà soát, đề xuất cụ thể việc cắt giảm mức phí và loại phí thuộc phạm vi quy định của pháp luật về phí và lệ phí; về rà soát, cắt giảm các loại chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí theo quy định pháp luật phí, lệ phí và chi phí chính thức ngoài phí, lệ phí và chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai...;
(4) thí điểm tổ chức Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện tại thành phố Hà Nội;
(5) sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua Cổng TTĐT Chính phủ;
(6) tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 10 tháng và kết quả kiểm tra tại một số bộ, ngành trong tháng 10/2017 của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm hai thành viên Chính phủ mới là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.
Chúc mừng hai thành viên Chính phủ mới, Thủ tướng tặng các đồng chí câu mà dân gian hay nói: “Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên”, đi đến đâu là tốt đến đó, đóng góp nhiều hơn nữa cho Chính phủ, cho đất nước.
Thủ tướng đề nghị xử lý ngay các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh lên thang bậc mới, đặc biệt là tích cực chỉ đạo chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.
Tin vui đầu tiên mà Thủ tướng thông báo tại phiên họp là Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68.
“Chúng ta đã thực sự phấn đấu được theo tinh thần chỉ đạo đầu năm là đứng trong nhóm đầu ASEAN, đã vượt qua Indonesia và nhiều nước trong khu vực”, Thủ tướng nói.
Có nhiều chỉ tiêu nhưng có 2 chỉ tiêu nổi bật là nộp thuế điện tử và tiếp cận điện năng. Cùng với đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Đây cũng là tin rất đáng mừng, Thủ tướng nhìn nhận và đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
So với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
“Tôi có trao đổi với đồng chí Trần Tuấn Anh (Bộ trưởng Công Thương) thì hệ thống bán lẻ của chúng ta sau khi chấn chỉnh một bước đã phục vụ rất tốt hệ thống tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản và một số mặt hàng chủ lực của nước ta tăng cao trong tháng này”, Thủ tướng cho biết.
“Có thể nói, xuất khẩu tháng 10 tiếp tục tăng và đến nay chúng ta đã xuất siêu 1,23 tỷ USD”.
Có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và có nộp thuế. Như vậy, đây là một tin mừng, kết quả tích cực của tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đất nước còn đối diện một số thách thức, khó khăn, nhất là tình hình bão, lũ lụt, lở đất làm nhiều người chết trong thời gian qua. “Hiện nay, giờ phút này, bão số 12 đang có nguy cơ trực tiếp vào Nam Trung Bộ. Tại cuộc họp Chính phủ này, tôi giao đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp cùng với đồng chí Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng NN&PTNT) vào Khánh Hòa, Phú Yên để chỉ đạo phòng chống bão”, Thủ tướng nêu rõ.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tồn tại nữa là giải ngân vốn đầu tư cơ bản có tiến bộ nhưng còn chậm. Mặc dù có cải thiện, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ.
Nhiều vấn đề như bảo vệ môi trường, phá rừng ở một số địa phương, an ninh trật tự, an toàn giao thông... vẫn cần tiếp tục được nêu ra để có giải pháp xử lý quyết liệt, triệt để.
Thủ tướng đề nghị đầu tiên là cần khắc phục ngay tồn tại, bất cập mà một số đại biểu Quốc hội đã nêu ra chứ không phải chờ đến khi có Nghị quyết, ví dụ như vấn đề trẻ em dưới 6 tháng tuổi phải đóng tiền xây dựng nghĩa trang (đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu), hay tình trạng phí chồng phí trong một số lĩnh vực…
“Tuy đạt kết quả tháng 10 tốt nhưng không thể chủ quan trong chỉ đạo, điều hành quản lý đất nước, nhất là trong một số ngành, một số địa phương”, Thủ tướng yêu cầu, nhấn mạnh phải “tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất”.
Thủ tướng đề nghị đại biểu dự họp phát biểu ý kiến về những vấn đề nổi lên trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường… để Chính phủ thảo luận và thống nhất định hướng, giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ lụt vừa qua.
Các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC tốt nhất.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận về một số vấn đề lớn chuẩn bị cho dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành năm 2018 để đầu tháng 1/2018 có Nghị quyết cụ thể, thực hiện tốt nghị quyết của Trung ương, Quốc hội.
Tại cuộc họp này, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ bàn, giải quyết một số vấn đề rất mới, lần đầu thảo luận, như Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM và một số nghị quyết quan trọng khác.