Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 7 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra với ngành chứng khoán. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Sáng nay (20/7) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đang diễn ra Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (20/07/2000-20/07/2020).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự kiện quan trọng được tổ chức trong thời điểm mà toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19 tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 13. 

Thủ tướng cho rằng, TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế, là bộ phận quan trọng của kinh tế thị trường với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế, là cửa sổ hội nhập liên quan thị trường tài chính với thị trường quốc tế. 

Vì vậy, xây dựng và phát triển từng bước thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho phát triển kinh tế là một chủ trương xuyên suốt và kiên định của Đảng và Nhà nước ta trong suốt quá trình “Đổi mới”, được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 8 thông qua vào năm 1996. Đó là, mở rộng việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu, xúc tiến chuẩn bị về thể chế, các điều kiện cần thiết để thực hiện tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán, đảm bảo hoạt động thông suốt và lành mạnh cho thị trường. 

Trải qua 20 năm qua, bằng quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển mạnh mẽ, từ một Trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết đến nay có hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch với giá trị vốn hoá 4 triệu tỷ đồng, tương đương 65%GDP.

Trong đó, HOSE khẳng định vị trí khơi nguồn và đầu tàu, tập trung niêm yết hầu hết các doanh nghiệp lớn, đồng thời phát triển mạnh thị trường trái phiếu chính phủ, với quy mô 20%GDP, hỗ trợ đắc lực cho việc huy động vốn của Chính phủ và nhiều năm qua được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển tốt nhất khu vực Đông Á; và một thị trường chứng khoán phái sinh dù mới ra đời hơn 2 năm nhưng đầy tiềm năng phát triển. 

Thủ tướng thấy tự hào về một Thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ nhưng kiên cường, vượt qua mọi thách thức từ nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid -19 và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất, ổn định nhất trong khu vực.

Trải qua 20 năm phát triển, Thị trường chứng khoán Việt Nam từ quy mô rất nhỏ, sơ khai đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng chiều sâu, góp phần trong quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.

Trong 10 năm gần đây, tổng số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, tương đương 14% tổng mức đầu tư toàn xã hội, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn của hệ thống tín dụng ngân hàng.

Thị trường chứng khoán đã trở thành bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc về quy mô và chất lượng, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế trong nước và từng bước mang tầm vóc khu vực, quốc tế như VCB. VNM, FPT, Vingroup…

Nguồn vốn đầu tư tăng thêm từ thị trường chứng khoán đã giữ một vai trò quan trọng giúp cho nền kinh tế của nước ta duy trì được đà tăng trưởng GDP trong những năm gần đây

Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức nhưng nhìn chung, Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của kinh tế. Thành quả này đến từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của các thành viên thị trường, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của các thành viên thị trường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 20 năm qua. 

Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia, phối hợp, hiệu quả của các bộ, ngành, của các địa phương trong cả nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng thị trường chứng khoán

Thủ tướng cho biết, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới trong trạng thái bình thường mới, với những thời cơ thuận lợi, nhưng cũng nhiều thách thức nhất là Covid-19 đã tác động tới kinh tế toàn cầu nặng nề nhất kể từ khi cuộc đại suy thoái toàn cầu. Chúng ta đã quyết liệt ngăn chặn, sớm kiểm soát thành công đại dịch, nên chúng ta cần phải tận dụng cơ hội có một không hai để phục hồi mạnh mẽ các nguồn lực trong nước, các luồng lưu chuyển vốn trong khu vực và toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động cần có sự phát triển về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ nhiệm vụ huy động vốn với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển bền vững hơn nữa.

Ngành chứng khoán cần có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa Thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hàng thành thị trường mới nổi, có chất lượng và năng lực cạnh tranh cao, mang tầm vóc khu vực, toàn cầu. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững trong 15-20 năm tới, tầm nhìn tới 2045. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành địa phương, tập trung nỗ lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, cần có tư duy đột phá và hành động quyết liệt trong việc sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thực hiện việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính - tiền tệ nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. 

Ngay trong năm nay cần phải ban hành đồng bộ hệ thống Nghị định và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tiến tới nghiên cứu sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các Luật, Nghị định liên quan khác trong những năm tiếp theo.

Yêu cầu đặt ra với hệ thống văn bản pháp quy sắp tới phải thực sự có tinh thần đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Hai là, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và thị trường bảo hiểm, nhằm hướng tới một cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Ba là, thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán như: đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên Thị trường chứng khoán; thúc đẩy doanh nghiệp nhân niêm yết trên thị trường, tăng cường tính công khai minh bạch, bảo vệ nàh đầu tư, áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, cải tiến chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt nhất về quản trị doanh nghiệp.

Bốn là, cần sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho thị trường an toàn, ổn định, bên vững, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức hệ thống giao dịch phù hợp đối với cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm khác, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Năm là, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán. Củng cố cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các bộ, ngành liên quan, nâng cao năng lực phân tích, dự báo kịp thời và có đối sách giải pháp phù hợp với diễn biến bất thường trên thị trường quốc tế, trong nước, đảm bảo an ninh, an toàn, cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính - tiền tệ nói chung.

Sáu là, tập trung đổi mới một cách cơ bản hệ thống công nghệ thông tin và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào phục vụ hiệu quả cho giao dịch, thanh toán, giám sát, và các dịch vụ tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; sớm nghiên cứu, triển khai thực hiện  số hoá tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bảy là, chủ động hội nhập thị trường chứng khoán vào thị trường tài chính quốc tế, khu vực, bảo đảm tiệm cận với các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất, phấn đấu sớm nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đưa Thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 7 nhiệm vụ cho ngành chứng khoán ảnh 1

Thủ tướng tặng Bằng khen cho Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Chặng đường phát triển phía trước của đất nước ta và thị trường chứng khoán nói riêng còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Thủ tướng tin tưởng rằng, với sức trẻ tuổi 20 với những kinh nghiệm và thành quả đã tích lũy trong nhiều năm, Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay đã có đủ điều kiện để phát huy truyền thống tốt đẹp vượt qua sóng gió để tiếp tục ra khơi, chinh phục biển lớn.

Tại buổi lễ, Thủ tướng trao tặng Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi tặng Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và ngành chứng khoán bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục