Quan tâm đến người lao động
Tại buổi gặp gỡ, nhiều câu hỏi xung quanh nhiều đề quan trọng như về chế độ tiền lương, tăng năng suất lao động, nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp, Bảo hiểm xã hội, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… đã được các công nhân gửi đến người đứng đầu Chính phủ…
Trả lời câu hỏi về vấn đề một số doanh nghiệp FDI yêu cầu độ tuổi đối với lao động, khiến nhiều công nhân độ tuổi từ 35-40 trở lên khó có cơ hội việc làm. Thủ tướng cho biết, Chính phủ biết rõ vấn đề này và tập thể Chính phủ luôn lắng nghe. Thủ tướng góp ý, biện pháp khắc phục vấn đề này là phải nâng cao tay nghề để chứng tỏ rằng các công nhân, người lao động tuổi 35-40 không kém gì tay nghề trẻ. Theo Thủ tướng,Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thị trường lao động bình đẳng, khung pháp lý phù hợp, yêu cầu các chủ doanh nghiệp thực hiện đúng luật lao động đã quy định.
“Dù ở độ tuổi nào thì Nhà nước, thể chế pháp luật luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Một khi người lao động nâng cao ý thức lao động để nâng cao năng suất, phù hợp với yêu cầu công việc thì khi đó không còn phân biệt tuổi tác. Dù ở độ tuổi 40 hay 50 mà có năng suất lao động tốt thì vẫn hoan nghênh. Pháp luật ủng hộ thể chế này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề các giải pháp nâng cao năng suất người lao động hiện nay, Thủ tướng cho rằng, hiện nay Việt Nam đã và đang trong quá trình hội nhập kinh tế, thực hiện ký kết nhiều hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cùng với đó cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn. Ngoài ra, thời gian tới, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. Do đó, cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn, việc nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân lao động là hết sức cấp thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết:“ Chính phủ cũng sẽ có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao trình độ cho người lao động”.
Thông điệp Chính phủ kiến tạo
Tại buổi đối thoại gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần nữa nhấn mạnh đến thông điệp “ Chính phủ kiến tạo”. Thủ tướng cho rằng, giai đoạn phát triển mới của đất nước đặt ra yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Chính phủ đã và tiếp tục sẽ có những chính sách đúng đắn, hiệu quả phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân.
Theo Thủ tướng:“ Phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tiến bộ khoa học công nghệ phát triển rất nhanh chóng là thách thức lớn. Nhưng sẽ là cơ hội nếu chúng ta chủ động và đồng tâm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế”.
“Chính phủ khuyến khích tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính phủ ủng hộ phát triển các doanh nghiệp hiện đại về công nghệ, quản trị và chính sách nhân lực. Chính phủ mong muốn mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, vì doanh nghiệp và vì đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.