“Phục hồi tăng trưởng hiện là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết…”
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy, cùng với lưu ý kiến quyết không để dịch bệnh quay trở lại Việt Nam.
Thông điệp trên được người đứng đầu Chính phủ nêu ra, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, diễn ra sáng nay (ngày 2/7).
Tuy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt thấp là 1,81%, nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới tăng trưởng âm, thì đó là mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, Thủ tướng gợi mở nhiều định hướng lớn mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thảo luận, để kiến nghị, đề xuất các giải pháp có tính khả thi và sáng tạo cao.
Theo đó, tuy kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, các rủi ro thương mại, đầu tư… còn khó lường.
“Cỗ máy tăng trưởng ở Việt Nam được ví như cỗ xe tam mã gồm 3 cấu phần quan trọng nhất là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cần phải dùng tìm mọi biện pháp để tăng trưởng cả 3 “con ngựa” kéo này nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới...”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phải phục vụ hiệu quả hơn cho kích cầu tăng trưởng, trong bối cảnh dư địa triển khai các chính sách này còn khá lớn. Tinh thần điều hành các chính sách này không chỉ là phòng thủ dịch bệnh, mà phải tiến công nhanh và bền vững.
Thái độ triển khai việc này phải là phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Chứ cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công. Đây là yêu cầu, ta nói nhiều nhưng chuyển biến chưa tốt…
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
“Việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ thận trọng có phù hợp không trong bối cảnh các nước nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, khi liên tục bơm mạnh tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế. Vậy chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào, liều lượng ra sao cho phù hợp…”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các địa phương tập trung thảo luận, hiến kế giải pháp cụ thể.
Cách nào giải ngân nhanh hơn vốn đầu tư công để có đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế cũng là vấn đề “nóng” trong bối cảnh giải ngân vốn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, khi 6 tháng mới đạt 33% kế hoạch.
Việc thành công trong giải ngân hết 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD vốn đầu tư công trong năm nay có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
“Yêu cầu các bộ, địa phương có giải pháp và chế tài cụ thể để giải ngân hết số vốn trên. Vừa rồi Bộ Chính trị, Quốc hội đồng ý với tinh thần, ngành, địa phương nào không giải ngân vốn thì Thủ tướng có quyền điều chuyển vốn sang các ngành, địa phương khác. Các đồng chí phải nóng ruột lên. Vừa rồi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đi kiểm tra giải ngân vốn ODA ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy đạt kết quả rất thấp do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải xắn tay vào tháo gỡ vướng mắc. Kỳ này phải có giải pháp mạnh…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với tìm giải pháp kích cầu thị trường nội địa với sức mua của gần 100 triệu dân, lãnh đạo Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, để cắt giảm thủ tục hành chính, qua đó tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
“Thái độ triển khai việc này phải là phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Chứ cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ thành công. Đây là yêu cầu, ta nói nhiều nhưng chuyển biến chưa tốt…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn.
Đề xuất lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế
Lúc thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Nay khi dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.
Tinh thần trên được nêu ra trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các khó khăn, thách thức đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm còn lớn, khó lường.
Cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, để mở rộng không gian phát triển, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn vị thế của một nước kiểm soát dịch Covid-19 tốt, để nắm bắt các cơ hội phát triển hiệu quả hơn trong thời gian tới. Qua đó đón đầu dòng vốn đầu tư quốc tế đang có sự dịch chuyển trên phạm vi toàn cầu
“Để triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn các giải pháp cho nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Qua đó để quyết tâm triển khai các giải pháp mạnh mẽ cho mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết cần khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ để kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng. Tập trung rà soát để tận dụng các dư địa tăng trưởng ở các ngành, địa phương, từng dự án lớn...
Cùng với kích cầu với trọng tâm là lấy thị trường nội địa làm nền tảng, cần chủ động phục hồi các chuỗi bị đứt gãy về sản xuất, thương mại...