Dự và phát biểu tại cuộc làm việc, ý kiến của một số bộ, ngành Trung ương nhất trí cho rằng, Hải Dương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là có lợi thế về giao thông và nông nghiệp do là tỉnh nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tâm của tam giác tăng trưởng 3 cực phát triển Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; có nhiều tuyến quốc lộ chạy qua như cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, các Quốc lộ 5, 18, hệ thống đường thủy thuận lợi với 16 tuyến sông chính; diện tích đất nông nghiệp 104.000 ha (chiếm trên 60% diện tích đất canh tác), đất đai màu mỡ.
Các ý kiến cho rằng Hải Dương còn nhiều dư địa phát triển, nên hướng vào thế mạnh của mình như nông nghiệp, du lịch, văn hóa…
Cho rằng Hải Dương đã có một số mô hình nông nghiệp quy mô hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm như cây rau các loại và cây trồng lâu năm như vải thiều, tỏi, khoai tây, đại diện Bộ NN&PTNT góp ý tỉnh nên tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với nhiều tuyến giao thông thuận lợi mà năng lực cạnh tranh của tỉnh chỉ ở mức trung bình thì cần xem xét lại. Tỉnh cần tăng cường liên kết vùng, như đẩy mạnh kết nối với Hà Nội, Hải Phòng cũng như quan tâm thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo các hình thức mới như PPP.
Lãnh đạo tỉnh phải có tinh thần đột phá
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hải Dương phải đi trước một bước trong sự phát triển; có mức độ dân trí cao, nằm ở vùng Thủ đô, vùng văn hóa thì “không thể bình bình” được. “Phải có tinh thần đột phá trong Tỉnh ủy, HĐND, UBND để Hải Dương đi trước, đi nhanh”, Thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh tập trung vào các khâu, mô hình mang tính đột phá trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, văn hóa.
Phải làm tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch, kể cả quy hoạch nông thôn, không để tình trạng phát triển lộn xộn ở vùng Thủ đô. Nâng cao tỉ lệ đô thị hóa, đi liền với quan tâm bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Hải Dương phải là một trong những nôi văn hóa, theo đó, quan tâm xây dựng, phát triển khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc thành một trung tâm văn hóa ở Đồng bằng Bắc Bộ và phải có thiết chế văn hóa cho công nhân lao động trên địa bàn.
Hải Dương phải không chỉ tự cân đối được ngân sách mà còn điều tiết về ngân sách Trung ương. Nếu một tỉnh trung tâm lớn như Hải Dương mà không hoàn thành thì sẽ khiến ngân sách Trung ương sụt giảm.
Tỉnh cần có các giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án, nhất là về hạ tầng giao thông vào sử dụng, trong đó ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; áp dụng nhiều hình thức thu hút đầu tư. “Một tỉnh có gần 2 triệu dân mà chỉ có 9.000 doanh nghiệp thì thấp quá”, Thủ tướng đánh giá.
Phải coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, theo hướng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, thông qua hướng dẫn người dân cách thức sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ; chứ không chỉ quan tâm xây dựng công trình hạ tầng. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp với tinh thần “sản phẩm rõ hơn, cách làm rõ hơn, phân công sản xuất rõ hơn”, trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao. Quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Đánh giá cao các kết quả đạt được của Hải Dương trong việc phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tỉnh cần nỗ lực hoàn thiện toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2016”.
Đối với một số đề xuất, kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương báo cáo, 6 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế tăng 7,2%. Xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của tỉnh ước đạt 5.075 tỷ đồng, trên 51% dự toán năm. Đến nay 100% các xã trong tỉnh đã có mạng lưới cung cấp nước sạch, tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 85%. Tính chung toàn tỉnh, bình quân mỗi xã trong tỉnh đạt 14,4 tiêu chí, trong đó, có 64 xã hoàn thành tất cả 19 tiêu chí về nông thôn mới.
Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về cơ chế đặc thù trong quản lý dự án đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là rau màu (diện tích canh tác hằng năm 30.000 ha/năm), lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết tỉnh chưa xây dựng được mô hình khu sản xuất rau an toàn quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn và đề nghị cho phép tỉnh tham gia Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2017, để đến năm 2020, tỉnh có 3-4 khu sản xuất rau an toàn quy mô lớn.
Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn cho một số công trình cơ sở hạ tầng như dự án chống sạt lở bờ và tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê huyện Kim Thành; dự án xây dựng nút giao lập thể tại điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, QL 5 và tỉnh lộ 390; một số dự án giao thông kết nối các tỉnh Quảng Ninh-Hải Dương-Hải Phòng; hỗ trợ vốn nạo vét kênh trục hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải…