Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương đóng góp của ngành ngân hàng đối với quá trình phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ cho biết, năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, đạt 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước).
Trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh, các nền kinh tế lớn có những chính sách tác động đến Việt Nam, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các ngân hàng nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng.
Với phương châm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực mới trong phát triển đất nước.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, là NHTM 100% vốn Nhà nước, giữ vai trò chủ đạo cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Tiên phong, gương mẫu triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất sau bão Yagi.
Trong năm 2024, Agribank chủ động giảm lãi suất cho vay 04 lần, đưa lãi suất cho vay bình quân thời điểm cuối năm giảm gần 2% so với đầu năm và thuộc nhóm thấp trên thị trường... Kết thúc năm 2024, Agribank hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh được NHNN giao, là năm đạt kết quả cao nhất sau 04 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025.
"Cụ thể, tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (tăng gần 10%); Huy động vốn chính thức vượt mốc 2 triệu tỷ đồng (tăng 7,6%); tín dụng đạt 1,72 triệu tỷ đồng (tăng 170 ngàn tỷ, tương đương 11%), góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen; nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2024 trên 47 nghìn tỷ đồng; được Quốc hội, Chính phủ cấp bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, góp phần nâng cao năng lực tài chính”, ông Vượng nói.
Cũng theo ông Vượng, năm 2025 tiếp tục được dự báo là một năm đầy biến động với sự thay đổi về chính sách, quan hệ thương mại của các nước lớn trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó yếu tố tỷ giá và lãi suất sẽ tạo những ảnh hưởng lớn tới hoạt động ngân hàng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% trở lên trong năm 2025, Agribank đã sớm triển khai, xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025, trong đó tăng trưởng tín dụng tập trung vào các nội dung:
Thứ nhất, tiếp tục cung cấp đầy đủ các sản phẩm tín dụng tới tất cả đối tượng khách hàng với mục tiêu dư nợ tăng thêm trong năm 2025 khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương mức tăng trưởng 13%); ngoài đối tượng truyền thống của Agribank là nông nghiệp, nông thôn, nông dân (chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ), Agribank tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm (đầu tư phát triển hạ tầng: Sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt,...; các dự án năng lượng tái tạo;...)…
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu vay vốn và kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của khách hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả.
Thứ ba, tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hợp lý, tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời chủ động tiết giảm chi phí hoạt động tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế; tập trung ban hành các sản phẩm, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất (Agribank đã triển khai sớm 09 chương trình tín dụng quy mô trên 350 nghìn tỷ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất thông thường để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả).
Thứ tư, triển khai có hiệu quả việc cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ vào quy trình cho vay, tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay nhưng đảm bảo không hạ tiêu chuẩn, nới lỏng điều kiện cấp tín dụng.
|
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank phát biểu tại Hội nghị |
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Để hỗ trợ Agribank hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đại diện Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Các Bộ ban ngành, Thống đốc NHNN xem xét giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, với định hướng tín dụng ngành ngân hàng năm 2025 tăng khoảng 16%, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Agribank tăng gần 13%, tương đương tăng trên 200.000 tỷ đồng. Nếu dư nợ hàng năm tăng thêm 200.000 tỷ đồng, Agribank cần bổ sung thêm 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có. Agribank kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các NHTM có vốn Nhà nước, trong đó xem xét cấp bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025 để Agribank có điều kiện tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao... hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến 2 con số giai đoạn 2026-2030.
“Công tác cổ phần hoá của Agribank còn nhiều khó khăn, vướng mắc; kính đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126 năm 2017, Nghị định 140 năm 2020 liên quan đến điều kiện thực hiện cổ phần hóa phù hợp với Luật đất đai năm 2024 và Nghị định 03 năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Agribank có thể sớm tiến hành cổ phần hóa trong thời gian tới và cho phép kéo dài việc triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định 1479 ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vượng chia sẻ.
Hai là, mặc dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu, tuy nhiên nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại lớn về người và tài sản; Trong bối cảnh chỉ còn 01 năm thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank, việc thực hiện mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% gặp rất nhiều thách thức. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng cũng như Agribank gặp nhiều vướng mắc, chưa được luật hóa đầy đủ.
“Agribank kính đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu”, ông Vượng nói.
Ba là, để triển khai có hiệu quả chương trình một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg, Agribank kính đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ cân đối nguồn lực để sớm triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi,…trong khu vực triển khai đề án. Bên cạnh đó, các địa phương là đầu mối trong việc gắn kết các chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, để triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội của Chính phủ, Các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.