Thủ tướng: 'Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết việc phá rừng'

Thủ tướng yêu cầu các địa phương xiết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ và phát triển rừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gỗ chứ không phải cây kim mà chính quyền bảo không biết có phá rừng. Ảnh: Vinh An Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gỗ chứ không phải cây kim mà chính quyền bảo không biết có phá rừng. Ảnh: Vinh An

Sáng 14/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Việt Nam chỉ 3 tỉnh không có rừng, 60 tỉnh kể cả TP HCM và Hà Nội đều có. Vì vậy, cần đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác này, nhìn rõ những yếu kém, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực, khả thi để bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ rừng. "Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết", Thủ tướng nói.

Cùng với việc nhấn mạnh sự cần thiết của việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ và phát triển rừng, không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng.

“Trong vấn đề này, không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, phải nhìn tổng quát để có giải pháp căn cơ hơn”.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên thời gian qua đã có tác động tích cực tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, người trồng rừng có thu nhập tăng, kích thích sử dụng đất trống, đồi trọc để trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo động lực cho đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp, địa phương vẫn đề nghị được phép khai thác gỗ rừng tự nhiên và cho rằng, việc không cho phép khai thác gỗ rừng tự nhiên tăng áp lực cho công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền Trung...

Trong 9 tháng, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại 910 ha, giảm 394 ha (30%) so với cùng kỳ 2016.

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14,3 triệu ha.

Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục