Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, với giá dầu thô trung bình năm 2020 đạt 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với mức giá kế hoạch năm Quốc hội thông qua (60 USD/thùng), giảm 23,7 USD/thùng (giảm 35,1%) so với giá dầu trung bình năm 2019 (67,5 USD/thùng) nhưng các chỉ tiêu tài chính của PVN vẫn đạt kết quả tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu.
Đáng nói là trong khi hoạt động của nhiều tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới thua lỗ lớn tới hàng chục tỷ USD, thậm chí phá sản, thì PVN là một trong số ít các công ty dầu khí có lợi nhuận khả quan.
Cụ thể, tổng doanh thu toàn PVN đạt 566.000 tỷ đồng, bằng 88% kế hoạch năm, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 83.000 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch năm.
Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 751 triệu USD), bằng 54% kế hoạch năm.
Tại thời điểm ngày 31/12/2020, hệ số khả năng thanh toán nhanh là 2,7 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát là 3,8 lần, cho thấy Công ty mẹ - PVN có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Năm 2020 cũng được PVN xem là khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập khi vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí.
Đáng chú ý là một số cơ chế tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn vẫn đang trong quá trình xem xét từ các cơ quan có thẩm quyền…Đó là hệ thống pháp luật còn chồng chéo, không ổn định; cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí còn nhiều bất cập, chậm được sửa đổi, tháo gỡ để phù hợp với thực tế phát triển của ngành dầu khí.
Các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho PVN phát triển ổn định, bền vững để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được Bộ Chính trị định hướng tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1749/QĐ- TTg ngày 14/10/2015 về Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, PVN hoạt động trong điều kiện chưa có Quy chế tài chính được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong khi đó, năm 2020, PVcũng phải thực hiện một số nhiệm vụ Nhà nước giao trong khi chưa được phê duyệt/thông qua cơ chế xử lý nguồn vốn (như bù thuế đối với Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn, nghĩa vụ nước chủ nhà đối với các hợp đồng dầu khí…) đã làm suy giảm dòng tiền, nguồn lực của Tập đoàn và có thể tạo ra các rủi ro pháp lý đối với cán bộ liên quan khi thực thi nhiệm vụ.
Thực tế thủ tục giải quyết các vấn đề mất nhiều thời gian do trình tự thủ tục phải trình, phải thông qua/đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan có thẩm quyền trước khi cơ quan được giao chủ trì quyết định. Việc xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn đã báo cáo kiến nghị từ các cơ quan có thẩm quyền còn chậm, kéo dài cũng được lãnh đạo PVN nêu ra với Thủ tướng Chính phủ.Năm 2020, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt trên 27.300 tỷ đồng, bằng 51%, tiếp tục giảm so với con số 30.400 tỷ đồng đạt được trong năm 2019.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, chúc mừng tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động PVN về những kết quả vượt bậc vừa qua, thể hiện ý chí, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết của “những người đi tìm lửa” càng được khẳng định, nay được thể hiện ở tầm cao mới.
Trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho PVN |
Thủ tướng cũng chia sẻ, PVN là tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực, cũng gặp một năm rất nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua mọi trở ngại. “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới PVN và trong năm 2020, tập thể người lao động của PVN đã lấy lại tên tuổi cho Tập đoàn ở trong nước và thế giới”, Thủ tướng nhận xét.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của PVN, nhất là về thể chế, chính sách, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Luật Dầu khí sửa đổi trong năm 2021. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước sớm hoàn thành, trình Chính phủ ban hành cơ chế tài chính cho Tập đoàn.
Dự thảo Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Bộ Tài chính đưa ra từ đầu năm 2016, nhằm thay thế cho các quy định tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP, nhằm phù hợp với nhiều quy định mới của luật pháp liên quan đến lĩnh vực đặc thù như ngành dầu khí, đơn cử như các quy định của Quỹ tìm kiếm, thăm dò dầu khí không còn phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách ban hành năm 2015.
Vào tháng 1/2018, Nghị định 07/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã được ban hành, khiến cho Quy chế tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo Nghị định 06/2015/NĐ-CP không còn căn cứ pháp lý để vận dụng.