Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản hỏa tốc số 636/TTg - CN về việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24/5/2021. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.
Với chỉ đạo này, những vướng mắc liên quan đến việc phân giao khoản kinh phí trị giá 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 kéo dài gần 5 tháng đã cơ bản được tháo gỡ.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ công tác bảo trì đường sắt với Tổng công ty sẽ giúp công việc triển khai nhanh chóng do không phải qua các khâu trung gian.
“Tổng công ty không gặp khó khăn pháp lý gì liên quan đến việc nhận đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để ký hợp đồng; đồng thời triển khai ngay các công việc liên quan tới các đơn vị thành viên để việc quản lý, bảo trì hệ thống đường sắt an toàn, thông suốt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Vũ Anh Minh khẳng định.
Được biết, trong các văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền vào tháng 5/2021, Bộ GTVT vẫn kiến nghị giao dự toán ngân sách nhà nước nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt để tổ chức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; thực hiện Nghị định số 32/2019/ NĐ-CP về công tác đặt hàng quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia sử dụng kinh phí nhà nước, theo đó: Cục Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện quản lý, giám sát bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Bộ GTVT cho biết là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không có ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì mà chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt nên việc đặt hàng đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019.
Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại cho rằng, đề xuất cơ chế giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam, đã phá vỡ nguyên tắc điều hành, quản lý thống nhất, tập trung - nguyên tắc chủ chốt nhất trong hoạt động vận tải đường sắt từ trước đến nay. 20 công ty bảo trì chưa có kinh phí để mua vật tư và trả lương cho công nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của hơn 10 nghìn người lao động.