Các nhân vật được bình chọn trong bảng xếp hạng năm nay đến từ 8 lĩnh vực, bao gồm công nghệ, chính trị, kinh doanh, tài chính, truyền thông, giải trí, từ thiện và tỷ phú.
Theo đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel là người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới hiện nay. Trong 12 năm Forbes đưa ra danh sách này, Thủ tướng Đức đã góp mặt 10 lần và có tới 9 lần là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Năm nay cũng là năm đánh dấu lần thứ 5 liên tiếp bà nhận được danh hiệu này.
Ngôi sao chính trị 60 tuổi người Đức đang lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 3 của mình, giữ kỷ lục là người phụ nữ nắm quyền lâu nhất tại châu Âu. Ngoài vai trò dẫn dắt quốc gia được xem là “xương sống” của Liên minh châu Âu (EU), bà Merkel còn được biết đến với lập trường mạnh mẽ và cứng rắn đối với sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như quyết định viện trợ quân sự cho lực lượng dân quân người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Theo đánh giá của Forbes, chỉ có một người phụ nữ duy nhất có khả năng thách thức vị trí hiện tại của Thủ tướng Đức, đó là bà Hillary Clinton, nhân vật đứng số 2. Kể từ khi bảng xếp hạng do Forbes bình chọn ra đời, Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã luôn lọt vào Top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Năm ngoái, bà đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, sang năm 2016, rất có thể bà Hillary sẽ nắm giữ vị trí số 1 nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.
Bà Hillary Clinton
Bà là người đầu tiên và hiện tại cũng là duy nhất từng giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ, chưa kể tới việc hiện đang là một trong những ứng cử viên tổng thống sáng giá trong năm tới.
Bên cạnh 2 cái tên kể trên, Top 10 phụ nữ quyền lực nhất thế giới còn có những cái tên đình đám khác, bao gồm, Melinda Gates (vợ của người sáng lập hãng Microsoft Bill Gates và là đồng Chủ tịch của Quỹ Bill và Melinda Gates), Janet Yellen (Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ), Mary Barra (Giám đốc điều hành Tập đoàn General Motors của Mỹ), Christine Lagarde (Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế), Dilma Rousseff (Tổng thống Brazil), Sheryl Sandberg (Giám đốc điều hành Facebook), Susan Wojcicki (Giám đốc điều hành YouTube) và Michelle Obama (đệ nhất phu nhân Mỹ).
Bà Janet Yellen
Theo thống kê của Forbes, trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất, có 10 người từng là người đứng đầu nhà nước và 14 người từng đứng đầu chính phủ; 23 người đang giữ vị trí giám đốc điều hành tại các công ty S&P 500 (tương ứng 4,6%). Trong tổng số 1.826 tỷ phú toàn cầu, 197 người là phụ nữ (chiếm 11% tổng số) và có 9% các lãnh đạo cấp cao tại Thung lũng Silicon là phụ nữ.
Từ những số liệu thống kê chi tiết này, dễ nhận thấy phụ nữ đang ngày một trở nên mạnh mẽ, tự tin và quyền lực hơn. Ngoài những cá nhân là lãnh đạo lớn nhất trong các công ty, trên thực tế còn rất nhiều những phụ nữ xuất sắc khác trong danh sách này không phải là người đứng đầu các công ty như Sandberg của Facebook; Gwynne Shotwell, COO của SpaceX và Angela Ahrendts của Apple, mặc dù vậy, tầm ảnh hưởng của họ không hề kém cạnh.
Danh sách phụ nữ quyền lực năm 2015 có 8 người hiện đang đứng đầu nhà nước, lãnh đạo các quốc gia có tổng GDP là 9,1 nghìn tỷ USD, với hơn 600 triệu dân. Bên cạnh đó, có 24 CEO của các công ty, kiểm soát gần 1 nghìn tỷ USD doanh thu hàng năm và 18 trong số những người phụ nữ nổi tiếng này đã thành lập công ty riêng của mình, ví dụ như Elizabeth Holmes, cô là tỷ phú trẻ nhất khi mới 31 tuổi.
Trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Twitter, YouTube, Facebook) tất cả 100 phụ nữ quyền lực nhất có gần 475 triệu người theo dõi và người hâm mộ.
Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều người phụ nữ trong danh sách quyền lực nhất. Có hơn một nửa số phụ nữ (59) là người Mỹ, trong đó có một số người nhập cư như Furstenberg (Bỉ), Đại sứ Samantha Power (Ireland), Weili Dai (Trung Quốc), Donna Langley (Anh), và Padmasree (Ấn Độ). Các công dân châu Á-Thái Bình Dương thể hiện sức mạnh ở vị trí thứ hai, khi đóng góp 18 người.