Theo Chinhphu.vn, tại “Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP. Cần Thơ vào chiều nay (ngày 8/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển đã có cam kết (gồm Ngân hàng phát triển Châu Á- ADB, Cơ quan Phát triển Pháp- AFD, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc- KEXIM, Ngân hàng Tái thiết Đức- KfW, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản- JICA và Ngân hàng Thế giới- WB), với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý áp dụng cơ chế cấp phát 90% vốn cho các dự án này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan, cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành, với nhân dân, với Tổ quốc; nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới tư duy, sáng tạo hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án, góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trước đó, vào ngày 1/4/2023, tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất nhằm rà soát tiến độ chuẩn bị các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).
Báo cáo tiến độ các dự án Mekong DPO tại cuộc họp này, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu) tư cho biết, vào tháng 3/2022, đã thống nhất với 6 đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án (Cụ thể, ADB: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang (dự án ĐT.963), Bạc Liêu; AFD: Vĩnh Long; JICA: Cần Thơ và Hậu Giang; KfW: Kiên Giang; KEXIM: Long An, Bến Tre, An Giang, Cà Mau; WB: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Cũng từ tháng 3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng 6 đối tác phát triển tổ chức hơn 10 chuyến khảo sát, làm việc với 13 tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi về qui mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương ĐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án, với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng 28.046 tỷ đồng; vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng).
Tại văn bản số 761/BKHĐT-KTĐN, ngày 8/2/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10% đối với dự án của địa phương; ủy quyền cho các địa phương là cơ quan chủ quản các dự án quốc lộ; coi các dự án xây cầu nối 2 địa phương thuộc các tỉnh lộ là dự án liên vùng và cấp phát 100% vốn vay ODA, ủy quyền 1 địa phương làm chủ đầu tư (đối với các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu).
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSCL thống nhất cao với đề xuất nêu trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn đối ứng vốn nước ngoài từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng.
Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng ĐBSCL còn thấp, hết tháng 6/2023, giải ngân vốn trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là 153,910 tỷ đồng (đạt 5,34% - thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 15,7%).