Thủ tướng đối thoại với bà con nông dân: Nóng chuyện tiêu thụ nông sản

Hôm nay, ngày 10/12 tại TP.Cần Thơ, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân đã diễn ra, nhiều vấn đề được nông dân đưa ra “chất vấn” người đứng đầu Chính phủ, nhưng trong đó nóng nhất là vấn đề chế biến và tiêu thụ nông sản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước khi vào phiên đối thoại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước khi vào phiên đối thoại

Phát biểu trước khi vào phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi thay mặt Chính phủ hoan nghênh và chào mừng 300 đại biểu nông dân đại diện cho nông dân cả nước đã về đối thoại với Thủ tướng. Với hơn 2.000 câu hỏi của nông dân, nhưng bà con đưa ra những vấn đề rất thiết thực. Trong đó, sản xuất, giá thành cao, cạnh tranh không được, các bộ, ngành sẽ làm gì để giảm giá thành, tăng giá trị tăng lên, để nông dân được hưởng lợi. Nhà nước phải làm gì, nông dân phải làm gì?...”.

Cũng theo Thủ tướng, tại hội nghị này, không chỉ có Thủ tướng và các bộ, các cơ quan liên quan sản xuất tiêu thụ đều phải chủ động. Hiện nay, chưa kể biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long

“Không có khoa học công nghệ, đổi mới giống chịu hạn, chịu mặn, không thay đổi cơ cấu mùa vụ thì làm sao giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn. Nhà nước quan tâm rồi, nhưng người nông dân phải tự đổi mới. Người nông dân Việt Nam phải đổi mới trong thời kỳ đổi mới đất nước. HTX phải liên kết kết để chiến đấu trên thị trường; người nông dân phải tự đổi mới trong tình hình đất nước, thị trường thay đổi. Tính chủ động của bà con rất quan trọng, phải chủ động hơn nữa, người nông dân phải tự tái cơ cấu ở từng nơi, từng xã. Trên tình thần cởi mở, thẳng thắn đó, chúng tôi mong muốn nghe những ý kiến sâu sát, thiết thực của nông dân, các bộ phải trả lời thẳng thắn cho nông dân, để đạt kết quả tốt nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đối thoại với bà con nông dân: Nóng chuyện tiêu thụ nông sản ảnh 1

Nông dân Trần Công Danh, ấp Thới Phước, xã Tân Thạch, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đặt câu hỏi.

Mở đâu phiên đối thoại, nông dân Trần Công Danh, ấp Thới Phước, xã Tân Thạch, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đặt câu hỏi:  Sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 4/2018, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  “công bố rộng rãi các thông tin về thị trường nông sản như giá, sản lượng, dự báo định hướng thị trường… lên website và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin chính thống và đáng tin cậy cho người nông dân, người sản xuất, doanh nghiệp để chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.

Tuy nhiên, đến nay tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn là vấn đề thời sự của ngành nông nghiệp.

“Vậy xin hỏi Thủ tướng: Vì sao Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ngay việc đưa thông tin giá cả nông sản, dự báo thị trường nông sản lên website, nhưng đến nay Bộ vẫn chưa thực hiện?.

“Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản” kết quả triển khai như thế nào? Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm gì để hạn chế các chi phí trung gian, để tăng thu nhập cho nông dân?. Bởi đơn cử như người trồng lúa chúng tôi hiện tính chi li ra chỉ được lãi có 70.000 đồng/ngày thì không thể sống nổi”, Nông dân Trần Công Danh đặt vấn đề.

Cùng vấn đề này, nông dân Ngô Hùng Thắng, ấp Tân Bình, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cũng phát biểu: Hiện nay người nông dân chúng tôi tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy suất được nguồn gốc đang gặp nhiều khó khăn do nông dân chúng tôi không tự làm được.

“Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, giải pháp, chính sách gì để hỗ trợ nông dân trong khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân?”, nông dân Ngô Hùng Thắng nói.

Thủ tướng đối thoại với bà con nông dân: Nóng chuyện tiêu thụ nông sản ảnh 2

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn. 

Trả lời vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: Xác định ứng dụng công nghệ cao vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ là giải pháp căn cơ để phát triển nhanh nền nông nghiệp; giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  ứng dụng nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; Trung tâm tin học, hàng tháng đều có tập hợp đánh giá về thị trường.Tuy nhiên, trong yêu cầu thích ứng với thay đổi rất nhanh của thị trường thì như vậy là chưa đủ.

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý I/2020 để triển khai ngay việc ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào xác định quan hệ cung cầu và công bố rộng rãi hơn, nhanh hơn trên trang web của Bộ.

Thứ hai, về phát triển bền vững trong nông nghiệp, bao trùm nhất với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ và các bộ ngành đã nỗ lực lắng nghe bà con để kiến tạo bằng cơ chế, chính sách cho phát triển Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu nâng cao đời sống của bà con.

“Để làm được điều đó, với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã cho thấy sự thay đổi rất rõ tư duy phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những loại cây có giá trị cao hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình với Thủ tướng 3 Đề án về điều chỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chuyển từ trữ mặn sang điều tiết mặn phù hợp; đề án về phát triển giống, cây trồng vật nuôi đặc biệt là giống thủy sản đến năm 2025; chương trình phòng chống thiên tai, chống sạt lở. Vừa qua Thủ tướng đã có nhiều hỗ trợ cho vấn đề này”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

Bổ sung câu trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cải thiện, năng lực sản xuất đang mở rộng và tăng nhanh.Tiếp nối vấn đề trên, cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường.

Ngoài ra, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh. Một số chính sách về đất đai cần đẩy mạnh để tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến được nâng cao cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hoá ngoại nhập vào. Chưa dừng lại ở đó, bản thân người dân chúng ta phải đổi đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu lại.

Phương Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục