Thủ tướng: Chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

0:00 / 0:00
0:00

Thủ tướng yêu cầu phải giữ cho được sự liêm chính trong xây dựng, thi hành pháp luật.

Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật sáng 24/11. Ảnh: Duy Linh Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật sáng 24/11. Ảnh: Duy Linh

Chống tham nhũng nói chung đã quan trọng, chống tham nhũng trong làm chính sách càng quan trọng hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật diễn ra sáng nay (24/11).

Tại đây, Bộ Tư pháp đã có báo cáo tổng quan và nhiều bộ, ngành, Uỷ ban của Quốc hội đã tham luận, nêu cả kết quả và hạn chế trong xây dựng, thực thi pháp luật 5 năm qua.

Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong nhiều nhiệm kỳ, nhất là 5 năm qua, Quốc hội và Chính phủ coi xây dựng thể chế là 1 đột phá chiến lược, nhất là việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã coi đây là nhiệm vụ trung tâm, dành nhiều thời gian hơn cho xây dựng pháp luật.

Thủ tướng thống nhất với báo cáo của Bộ Tư pháp và nhiều ý kiến tại Hội nghị là Việt Nam có hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, tính khả thi, bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Nhìn chung chất lượng xây dựng văn bản đã nâng lên rõ rệt, đảm bảo tiến độ đề ra.

Nếu có khuyết điểm trong xây dựng pháp luật thì Chính phủ nhận khuyết điểm đầu tiên chứ không đổ cho cơ quan khác, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh xây dựng thì tổ chức thi hành pháp luật, theo Thủ tướng, cũng đã có nhiều đổi mới. Mỗi luật được Quốc hội thông qua đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững. Vừa qua thực hiện mục tiêu kép cũng là do hệ thống pháp luật, sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ rất chặt chẽ, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận.

Biểu dương sự cố gắng của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, song ông cũng lưu ý, vừa qua có 1 số luật không dễ, nếu làm không tốt thì không thông qua được ở Quốc hội.

Về những hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh chất lượng một số dự án luật còn kém, nhiều dự án vòng đời tồn tại ngắn ngủi, phải sửa chữa. Tầm nhìn xây dựng pháp luật, nhất là thể chế về kinh tế còn nhiều vấn đề.

Bên cạnh đó, công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Đặc biệt hiện tượng xin lùi, xin rút văn bản vẫn còn. Nhiều vấn đề mới làm danh mục mà chưa làm chính sách, chưa thực hiện đúng hướng dẫn nên văn bản còn xin lùi, rút nhiều, Quốc hội cũng "kêu ca" nhiều, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn yếu, vừa chậm, vừa thiếu nội dung.

"Tôi đã nói nhiều lần ý này và giờ vẫn phải nói lại một lần nữa: bộ máy, biên chế cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn lực thực hiện việc này cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Tôi nói mấy lần rồi, ít ông Bộ trưởng nào tới thăm vụ pháp chế. Ít ông Vụ trưởng pháp chế nào lên được Thứ trưởng", Thủ tướng phát biểu.

Trong xây dựng pháp luật thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật. kể cả với việc sửa đổi bổ sung luật cũng phải tuân thủ nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật phải đảm bảo chất lương, nhiều văn bản xây dựng còn hình thức, không có chiều sâu, một dự án luật có hiệu quả phải đảm bảo chất lượng, không dược hình thức, Thủ tướng chỉ đạo.

Vấn đề nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là khắc phục cho được sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau để hoàn thiện dự án luật.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì những tinh thần đảm bảo tự do kinh doanh, giải phóng sức sản xuất, công dân được quyền làm bất cứ gì pháp luật không cấm phải được phải được quán triệt. Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, 90% luật là do các bộ, ngành soạn thảo thì tránh cho được quyền anh quyền tôi rất quan trọng, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng và thi hành pháp luật. "Đây là việc quan trọng chứ khi phải tránh đi, né đi, giao cho Thứ trưởng làm việc này đâu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thêm một lần nhắc lại yêu cầu chống lợi ích nhóm, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, chống tham nhũng nói chung đã quan trọng, chống tham nhũng trong làm chính sách càng quan trọng hơn, phải bịt khe hở này. "Phải làm sao giữ cho được sự liêm chính trong xây dựng, thi hành pháp luật trong bối cảnh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh".

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục