Tuy nhiên, với thời hạn còn tới 14 ngày, thị trường vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là đối với những DNBH đã là công ty đại chúng và đang niêm yết trên TTCK.
Điều 19 Dự thảo sửa đổi Thông tư 124 quy định, trong thời hạn 14 ngày (thay vì 21 ngày như trước) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm từ 10% vốn điều lệ trở lên của DNBH, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận đề nghị của DNBH. Trường hợp từ chối chấp thuận phải nêu rõ lý do. Trường hợp chấp thuận, Bộ Tài chính cấp giấy phép điều chỉnh hoặc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho DN.
Tại lần rà soát trước khi Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến lần cuối cách đây không lâu, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cho rằng, do giá cổ phiếu biến động từng ngày từng giờ, nên thủ tục càng thông thoáng, DNBH càng đỡ lo lỡ mất cơ hội bán hoặc phát hành cổ phiếu (bổ sung) thu được mức giá như mong đợi và đúng thời gian dự kiến. Do đó, theo AVI, Bộ Tài chính cần đề xuất thống nhất các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Chứng khoán liên quan đến chấp thuận về mặt nguyên tắc chuyển nhượng vốn cũng như tăng giảm vốn để DNBH làm tiếp các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).
Về phía các DNBH, do quy định về thủ tục chuyển nhượng cổ phần hiện nay quá nhiều, khó theo dõi, một số DNBH kiến nghị, cần đưa ra quy định theo hướng chuyển từ kiểm soát trước sang kiểm soát sau (hậu kiểm).
“Nên chăng để UBCK, trong vai trò là cơ quan quản lý TTCK kiểm soát trước (tiền kiểm) qua việc phê duyệt hồ sơ. Còn với Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, trong vai trò quản lý thị trường bảo hiểm chỉ cần hậu kiểm. Cần trao thêm quyền tự chịu trách nhiệm cho DN”, một lãnh đạo DNBH nói và cho biết, hậu kiểm có nghĩa kiểm tra kết quả chuyển nhượng hoặc tăng giảm vốn có đúng quy định hay không dựa trên báo cáo kết quả chuyển nhượng tăng giảm vốn của DNBH (phụ thuộc vào thời gian chuyển nhượng, tăng giảm vốn đăng ký và chấp nhận của UBCK).
Theo tìm hiểu của ĐTCK, dù không quá sôi động trong chuyển nhượng cổ phần trên 10% như nhiều ngành khác do đặc thù của bảo hiểm là mang tính ổn định cao, nhưng trong năm qua, DNBH cũng có không ít những thương vụ dạng này. Hiện trên thị trường, các DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm thuộc diện công ty đại chúng đang niêm yết gồm BVH, PVI, BMI, PTI, PJICO, VNR và BIC, trong đó BVH và PVI là công ty mẹ, có công ty con là DNBH. Số còn lại hầu hết đều là công ty đại chúng như MIC, ABIC, Bảo Long…, hoặc là DN quy mô lớn như Bảo hiểm Hàng không.
Chưa kể, về mặt công bố thông tin theo luật định, do quy định về thủ tục cấp phép lâu, nên DNBH bất đắc dĩ vi phạm quy định về công bố thông tin.
Theo một số DNBH, vì vướng “1 cổ hai tròng” (DNBH thuộc diện công ty đại chúng vừa bị quản lý bởi Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm lẫn UBCK, đều thuộc Bộ Tài chính) nên vẫn gặp khó trong công bố thông tin theo quy định. Hậu quả là, DNBH buộc rơi vào thế phạm luật dù không muốn. Việc thực hiện công bố thông tin theo Thông tư 52 về công bố thông tin trên TTCK có điểm khó khả thi, bởi vướng mắc với quy định của ngành bảo hiểm.
Đơn cử, đối với quy định công bố thông tin bất thường trong vòng 24h như tăng, giảm vốn điều lệ; góp vốn từ 10% trở lên, dù đã có Nghị quyết ĐHCĐ/HĐQT về việc thay đổi này, nhưng vẫn phải có công văn gửi Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm. Chỉ khi cơ quan này có văn bản chấp thuận thì việc thay đổi mới được xem là chính thức và khi đó mới có thể công bố rộng rãi. Trong khi đó, quy trình này dù chỉ còn mất 14 ngày như trên (dù đã giảm sau khi điều chỉnh từ 21 ngày xuống) nhưng vẫn khiến việc công bố trong vòng 24h là rất khó.
Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù nên các DNBH phải tuân theo những quy định đặc thù của ngành. Tuy nhiên, với những thủ tục có thể cởi bỏ về quy trình và thời gian thì điều mà DNBH chờ đợi đúng như đề xuất của AVI chính là sự thống nhất các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Chứng khoán, nhằm tạo thuận lợi cho họ trong thực thi các chính sách pháp luật.