Thủ tục hành chính vẫn là điểm yếu nhất của môi trường kinh doanh

(ĐTCK-online) "Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, “nghĩa vụ” tiếp cận với hàng loạt cơ quan chính quyền thực sự là một sự lãng phí lớn về thời gian". Đó là quan điểm của TS. Matthias Duehn, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK về môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Ông Matthias Duehn. Ông Matthias Duehn.

Được biết, Sách trắng "Các vấn đề thương mại và khuyến nghị" của EuroCham tóm tắt những vấn đề hiện ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẽ được công bố cuối tuần này. Ông có thể cho biết, còn những phàn nàn gì về môi trường đầu tư ở Việt Nam?

Trong khi Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30) vẫn đang được thực thi, thì việc các thủ tục hành chính khác nảy sinh lại đang tác động ngược đến những tiến bộ mà đề án này mang lại. Ví dụ, Thông tư 24/2010/TT-BCT về cấp phép nhập khẩu tự động có hiệu lực từ ngày 12/7/2010, yêu cầu các nhà nhập khẩu hàng hóa số lượng lớn phải đệ trình giấy phép nhập khẩu tự động để thông quan. Thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu tự động bị kéo dài đến 7 ngày làm việc. Việc xin và cấp phép nhập khẩu tự động được thực hiện thông qua đường bưu điện bằng thư thường, việc áp dụng như vậy mất khoảng 10 ngày, gấp 3 lần thời gian để triển khai như hiện nay. Thông tư 24 cũng nêu rõ là đăng ký nhập khẩu tự động sẽ chỉ có giá trị hiệu lực trong vòng 30 ngày. Điều đó có nghĩa là, việc xin cấp phép lại là bắt buộc nếu có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến đơn hàng giống nhau. Một lần nữa, chúng tôi lưu ý rằng, việc đơn giản hóa thay vì tăng các gánh nặng hành chính sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn.

Vừa cắt giảm, vừa gia tăng thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào, thưa ông?

Đối với các công ty nước ngoài, thủ tục hành chính phức tạp và đôi lúc "khập khiễng" hay việc thực thi luật pháp và các quy định không đồng nhất giữa các cơ quan liên quan có thể gây ra những trở ngại lớn để tiến hành hoạt động kinh doanh thành công tại Việt Nam. Chúng tôi xin lưu ý rằng, nghĩa vụ của một nhà đầu tư phải tiếp cận với hàng loạt cơ quan chính quyền thực sự là một sự lãng phí thời gian. Vì thế, việc giảm gánh nặng hành chính ở tất cả các cấp là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đề án 30 đòi hỏi các bộ và cơ quan liên quan thực hiện các cải cách thủ tục hành chính thực sự với tinh thần quyết liệt và triệt để nhất. Đặc biệt, có hơn 15 luật và pháp lệnh, hơn 100 nghị định, thông tư và quyết định liên bộ cần xem xét lại. Thành công của Đề án 30 sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc thực hiện nhất quán các hoạt động trên.

 

Một vài ý kiến cho rằng, Việt Nam không còn là quốc gia hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Chúng tôi tin rằng, về cơ bản, câu chuyện thành công của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, Việt Nam có tất cả các điều kiện để trở thành một điểm đến đầu tư hàng đầu như: dân số gần 90 triệu người với một lực lượng lao động trẻ và năng động; chính trị ổn định và điều kiện kinh tế vĩ mô tốt. Tuy nhiên, Việt Nam không thể hy vọng lợi thế cạnh tranh hiện tại của mình sẽ là vô thời hạn, bởi lương tăng, hạn chế của nguồn tài nguyên thiên nhiên, ODA sẽ giảm hoặc ngưng hoàn toàn... Chìa khóa để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững là chuyển đổi từ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp sang xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phức tạp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi tính sáng tạo.

 

Eurocham có khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam?

Trong năm 2011, Việt Nam nên tập trung vào sức cạnh tranh của nền kinh tế trong khi vẫn tìm kiếm các giải pháp bền vững lâu dài cho đất nước. Khả năng để Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài hơn sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam thực hiện và duy trì các hành động "ngay bây giờ" trong một vài lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng. Việt Nam cần hiện đại hóa nhiều hơn nữa về đường sá, cảng biển, nhà máy điện và cơ sở hạ tầng khác để duy trì sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Việt Nam cũng cần khuyến khích một "văn hóa cải tiến" đánh giá tính sáng tạo, các suy nghĩ đổi mới, các ý tưởng mới, công nghệ và giải pháp đem lại giá trị gia tăng. Nếu thiếu yếu tố trên, Việt Nam có nguy cơ rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình, không thể trở thành nền sản xuất tập trung vào các giá trị gia tăng.

Thủy Nguyên thực hiện.
Thủy Nguyên thực hiện.

Tin cùng chuyên mục