Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chắt chiu từng cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong nửa cuối năm, nước ta phải chắt chiu từng cơ hội, phấn đấu mức tối đa để đạt kết quả tốt nhất với mục tiêu tăng trưởng 6,5%. 
Xuất khẩu cuối năm kỳ vọng hồi phục sau khu sụt giảm mạnh 6 tháng đầu năm Xuất khẩu cuối năm kỳ vọng hồi phục sau khu sụt giảm mạnh 6 tháng đầu năm

3 thách thức lớn nhất nửa đầu năm

Tại Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề: Chắt chiu từng cơ hội tăng trưởng do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý II và 6 tháng đầu năm 2023 với tất cả các địa phương. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổ chức buổi sơ kết cùng nhiều cơ quan khác như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để nhìn lại, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và đưa ra các phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đối với từng ngành, lĩnh vực.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức trong 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề cập đến ba vấn đề chính.

Thứ nhất, về tình hình vĩ mô thế giới, lạm phát tăng cao ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia lớn - đối tác truyền thống quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, qua sự nỗ lực của các quốc gia, nổi lên chính sách nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, sau 6 tháng tình hình lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thế giới. Dẫu vậy, đây là tín hiệu đáng mừng cho triển vọng tương lai khi các quốc gia đã kiểm soát được lạm phát, cơ hội phục hồi kinh tế thế giới là rõ nét hơn.

Thứ hai, khó khăn đến nay vẫn kéo dài và có lẽ cần mất thêm thời gian để phục hồi là về tổng cầu của thế giới. Đầu năm, chúng ta nhận định tổng cầu thế giới bị ảnh hưởng rất nặng nề do lạm phát cao và chính sách tăng lãi suất dẫn đến người dân tiết giảm chi tiêu, nhu cầu thế giới giảm. Điều này tác động đến 2 khía cạnh, một là giảm thương mại toàn cầu, hai là tác động đến sản xuất kinh doanh. Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không nhận được đơn hàng từ các thị trường lớn để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh tương ứng. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, trong đó có sự thu hẹp.

Thứ ba, chính từ việc các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh dẫn đến khó khăn về vấn đề đầu tư. Rất nhiều tổ chức, cá nhân, chuyên gia quốc tế cho rằng, dòng vốn đầu tư của thế giới hiện nay có xu hướng dịch chuyển tích cực hơn đến châu Á. Đây là một cơ hội đáng mừng, nhưng quy mô cũng như định hướng trong ngắn hạn là chưa đủ để tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Talkshow Đối thoại đầu tuần ngày 24/7.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Talkshow Đối thoại đầu tuần ngày 24/7.

Ngoài ra, Thứ trưởng nhắc đến một số ảnh hưởng khác như xung đột địa chính trị Nga – Ukraine, biến đổi khí hậu, nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Những điều này cũng có tác động đến ba khó khăn chính.

“Khó khăn trên còn kéo dài để cho thấy từ nay đến cuối năm khó có được những chuyển biến tích cực ngay mà phải nhìn ở góc độ dần dần tích cực hơn, điều đó tạo nên niềm tin về triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Tất nhiên đây không phải là triển vọng tức thì mà là triển vọng dài hạn, tín hiệu tốt để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp bắt tay điều chỉnh chiến lược kinh doanh dài hạn hơn để hướng tới phát triển trong tương lai”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Dù kinh tế Việt Nam đã bước qua 6 tháng đầu năm với rất nhiều khó khăn bủa vây, tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn đánh giá những điểm sáng, mặt tích cực đã đạt được.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều thành công nhất 6 tháng đầu năm trong bối cảnh khó khăn là tình hình hình vĩ mô được giữ ổn định. Đây là yếu tố nền tảng hết sức quan trọng để phục vụ cho thúc đẩy tăng trưởng, cũng như kích thích tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu. CPI bình quân 6 tháng tăng 3,29%; diễn biến của chỉ số giảm dần từ đầu năm đến nay là tín hiệu tốt để Nhà nước có nhiều dư địa điều hành lạm phát, giá cả các mặt hàng Nhà nước kiểm soát cũng như chính sách tiền tệ.

Nếu Việt Nam muốn đạt mức bình quân cả năm 2023 là 6,5% thì cơ bản, 2 quý cuối năm phải tăng trưởng xấp xỉ 9%.

Bên cạnh đó, dù khó khăn, chúng ta vẫn thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống ở trung ương, Chính phủ quyết liệt ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, người dân. Tất cả mọi người đều có tính chủ động rất cao trong việc điều chỉnh linh hoạt kế hoạch kinh doanh của mình để thích ứng với bối cảnh khó khăn này.

Cuối cùng, rất nhiều chỉ số mặc dù tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, nhưng diễn biến đều cho thấy tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, điển hình như GDP hay xuất nhập khẩu. Đặc biệt là 6 tháng đầu năm, các chính sách về an ninh xã hội, quốc phòng an ninh cũng đều có những kết quả tích cực.

Chắt chiu từng cơ hội

Thực tế, các nhà phân tích cho rằng một vài chỉ số trong nửa đầu năm 2023 hiện còn khá thấp, trong đó, GDP 6 tháng chỉ đạt 3,72%, còn cách khá xa cho cả năm là 6,5%. Vấn đề được quan tâm lúc này là liệu rằng chúng ta có điều chỉnh chỉ tiêu cuối năm hay sẽ chắt chiu từng cơ hội cho mục tiêu tăng trưởng?

Thứ trưởng phân tích, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu mà chúng ta mong muốn đạt tới là 6,5%. Điều này đặt ra một nhiệm vụ hết sức nặng nề trong 6 tháng cuối năm: nếu Việt Nam muốn đạt mức bình quân cả năm 2023 là 6,5% thì cơ bản, 2 quý cuối năm phải tăng trưởng xấp xỉ 9%.

Dù vậy, trong các báo cáo, tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chính phủ, Chính phủ cũng đồng tình, thống nhất một mục tiêu đó là cuối năm phấn đấu mức tối đa để đạt được kết quả tốt nhất trong bối cảnh khó khăn.

Nhìn về nội hàm cơ cấu tăng trưởng GDP, công nghiệp là lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, nhưng bị tác động nặng nề nhất khi chỉ tăng trưởng hơn 1%. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của sức cầu thế giới cũng như những khó khăn liên quan đến xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh. Hầu hết, các doanh nghiệp lớn cũng như các các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo, điện tử phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ của các nền kinh tế lớn, song đều bị giảm mạnh, có nơi giảm đến 60%.

Dù vậy, Thứ trưởng đánh giá nỗ lực rất lớn của hai khu vực là nông nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp là trụ đỡ rất quan trọng đối với nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn và có sự tăng trưởng rất tốt. Bên cạnh đó, sự phục hồi của khu vực dịch vụ cũng rất mạnh mẽ. Hai khu vực này đã đỡ rất nhiều cho công nghiệp trong cơ cấu chung của tăng trưởng GDP.

“Điều đó đặt ra nhiệm vụ, để đạt được mục tiêu tốt nhất có thể, chúng ta phải chắt chiu từng cơ hội để đạt được mục tiêu đó. Tôi nhận thấy xu thế chung đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp cũng chắt chiu từng đơn hàng, họ không lãng phí một đơn hàng nào cho dù rất nhỏ để làm sao cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như từng bước phục hồi sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục