Thêm dư địa
Tại buổi Họp báo thường kỳ vào giữa tháng 3/2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 13/3, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với nền kinh tế giảm 1,05%; tổng phương tiện thanh toán tăng 2,96%; huy động vốn tăng 1,92% so với cuối năm 2013, trong đó huy động bằng VND tăng 2,23%. Bên cạnh đó, thanh khoản VND ổn định, có dư thừa, phản ánh qua tỷ lệ tín dụng trên huy động bằng VND giảm mạnh xuống mức 90%. Lãi suất liên ngân hàng ổn định cũng cho thấy các TCTD không còn khó khăn về thanh khoản, thậm chí dư thừa, nên tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu, trái phiếu chính phủ bảo lãnh để tăng dự trữ đệm…
Ngoài ra, theo bà Hồng, từ đầu năm đến nay, các TCTD đã mua khoảng 85% lượng trái phiếu chính phủ phát hành. Cụ thể, tính đến ngày 18/3/2014, tổng lượng trái phiếu chính phủ phát hành đạt khoảng 78.000 tỷ đồng.
Với những chỉ số thể hiện trạng thái thanh khoản dồi dào như kể trên, NHNN đã chính thức công bố cắt giảm lãi suất điều hành từ 7% xuống 6%/năm.
“Động thái của NHNN phù hợp với tư tưởng và mục tiêu chính sách hiện nay là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng có những sự uyển chuyển nhất định để hỗ trợ phục hồi kinh tế mà việc hạ lãi suất sẽ đóng góp phần nào đó”, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định.
Tuy nhiên, việc giảm tiếp lãi suất đang có thêm dự địa, như chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng 3, theo Tổng cục Thống kê, với mức giảm là 0,44% so với tháng 2. Đây là mức giảm theo tháng trong tháng 3 thấp nhất trong vòng 11 năm qua. So với tháng 3 năm trước, CPI tháng 3/2014 cũng chỉ tăng 4,39%, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Như vậy, sau 1 quý, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12/2013 chỉ tăng 0,8%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, với tình hình lạm phát quý I như hiện nay, cả năm dự kiến chỉ khoảng 5%.
Với dư địa được mở rộng, nhiều ý kiến cho rằng, trần lãi suất có thể giảm thêm 0,5 điểm phần trăm mà vẫn đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
Và việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục, mở rộng sản xuất - kinh doanh cũng như tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng.
Trên thực tế, “dù đã giảm, nhưng so với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp thì mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn cao”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhận xét.
Còn quan ngại
Trao đổi với ĐTCK, đa số lãnh đạo ngân hàng đều chung quan điểm, lãi suất hiện nay đã ổn, thị trường cần có thời gian để điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng quý II sẽ khởi sắc hơn, nên việc tạo sức ép quá cho thị trường chưa hẳn là hay.
“Không thể hạ lãi suất tiếp được vì người gửi tiền đồng Việt Nam, nếu thấy lãi suất thấp, sẽ chuyển sang ngoại tệ và vàng, lúc ấy, các ngân hàng lại rơi vào bẫy thanh khoản. Vấn đề của nền kinh tế không nằm ở lãi suất mà ở tổng cầu”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nêu quan điểm.
Ông Võ Trí Thành phân tích, việc hạ lãi suất cần nhìn trong tương quan với lạm phát. Kỳ vọng lạm phát năm nay đều đã giảm. Bên cạnh đó, cú sốc giá trên thế giới năm nay có xác suất không cao. Ngoài ra, tương quan giữa lãi suất tiền đồng và USD dù có xu hướng nghiêng về phía USD nhưng không đáng ngại.
“May mắn ở đây là gói QE3 được Mỹ điều chỉnh dần dần và như vậy nhiều khả năng đồng USD sẽ không lên giá quá mạnh. Cùng với cam kết của Thống đốc về việc tỷ giá ổn định 2% trong cả năm, tiền đồng vẫn sẽ hấp dẫn hơn USD nên sẽ không có sự dịch chuyển theo nhánh này”, ông Thành nói. “Tuy nhiên, bước hạ lãi suất tiếp cần được xem xét thận trọng trong mối quan hệ điều tiết với các kênh tài chính khác như chứng khoán…”.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, muốn tăng tín dụng, NHNN phải cho phép các NHTM được chiết khấu bằng tiền mặt từ trái phiếu đặc biệt bán nợ cho VAMC để tăng đồng vốn giá rẻ. Nguyên nhân là nợ xấu lớn, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều. ROE còn có 5 -6% nên lợi nhuận trên vốn tự có thấp, chỉ còn bằng 1/3 của những năm bình thường.
“Biện pháp quan trọng bây giờ là đẩy nhanh xử lý nợ xấu gắn liền tăng cường chiết khấu trái phiếu đặc biệt để giảm chi phí vốn huy động đầu vào, trên cơ sở đó để giảm lãi suất cho vay, kích thích doanh nghiệp vay đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ… sẵn sàng cho các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chuẩn bị ký kết”, ông Nghĩa nhấn mạnh.