Người đề xuất Cục thuế TP.HCM nên có giải pháp thu thuế đối với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, livestream bán hàng qua mạng xã hội tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nói rằng mục đích là để tạo sự công bằng.
Tuy nhiên việc thiếu cơ chế quản lý cũng như các phương thức tính toán cơ sở nộp thuế khiến việc thu thuế các đối tượng này trở nên khó khăn. Trong khi đó, một số người nổi tiếng đang cho rằng việc giới thiệu sản phẩm thông qua trang cá nhân của mình họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ thuế.
'Làm với các nhãn hàng, họ tính chi li từng đồng thuế'
Tài khoản Facebook Nguyễn Phạm Khánh Vân thường livestream giới thiệu sản phẩm cho nhiều nhãn hàng, cho rằng về nguyên tắc, hoạt động nào phát sinh thu nhập tức là phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Lâu nay, các dạng phát trực tiếp giới thiệu sản phẩm cho nhãn hàng của những người có ảnh hưởng đều thực hiện việc đóng thuế rất nghiêm túc. Nếu theo đề nghị phải đóng nữa thì thật khó hiểu là đóng tiền gì, và quy vào loại thuế gì?
Chị Vân cho rằng hợp tác với các nhãn hàng lớn, các doanh nghiệp thì họ rất rõ ràng về chi phí, thuế. Tất cả đều được thể hiện bằng hợp đồng ràng buộc.
"Chúng tôi quay video, clip ngắn hay dài, livestream hay bài PR, làm event đều có hợp đồng hẳn hoi. Theo hợp đồng, hai bên sẽ thỏa thuận mức thuế 10% GTGT và thuế TNCN ai đóng? Tuy nhiên, phần lớn là doanh nghiệp sẽ đóng, vì khoản này được hoạch toán vô chi phí doanh nghiệp.
Điều này đồng nghĩa việc đóng thuế khi phát sinh thu nhập bằng các hình thức này chúng tôi đã đóng thuế mấy năm nay rồi", chị Vân nói.
Chị Vân cũng bày tỏ quan điểm phần lớn người nổi tiếng ai cũng rất ý thức việc giữ hình ảnh "sạch", vì họ thường xuyên đi lại, làm việc ở nước ngoài. Trong khi ở các nước, chuyện trốn thuế, khai gian thuế... bị soi rất kỹ.
Thu thuế dựa vào điều khoản nào?
Thực tế, đa phần những người có hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp, nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm trên trang cá nhân đều chung quan điểm là có phát sinh thu nhập thì phải làm nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng thu thuế dựa trên điều khoản nào thì chính quyền phải có cơ sở để áp dụng. Nếu không có luật định khung thì công dân được phép làm điều pháp luật không cấm.
Theo tài khoản N.T.T, chúng ta cũng nên xem việc đóng góp vào hạ tầng Facebook như thế nào để đưa ra mức thuế? Ngoài ra, thông lệ quốc tế trong vấn đề này như thế nào cũng cần được xem xét.
“Tôi nghĩ làm việc này cần có lộ trình cụ thể. Nếu không phải là thuế thu nhập cá nhân thì cần có quy định ra sao, mức như thế nào. Tôi không hoàn toàn phản đối đề xuất, nhưng làm thế nào cho phù hợp mới là điều mà các cá nhân có những hoạt động này mong muốn”, chủ tài khoản N.T.T cho hay.
Trong khi đó, chủ tài khoản H.Nguyễn cho rằng nếu muốn chống thất thoát thuế, cơ quan chức năng nên làm việc với các công ty mà họ hợp tác. Bởi thường nghĩa vụ thuế của người nổi tiếng đã thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế này rồi.
Thu không sai nhưng khó khả thi
Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất của đại biểu Bích Châu hoàn toàn phù hợp với pháp luật về thuế ở Việt Nam, song tính khả thi cần phải xem xét lại.
Cùng với kinh doanh ngày càng sôi động trên Facebook, các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho nhãn hàng của người nổi tiếng qua kênh này cũng hết sức nhộn nhịp.
Bởi nếu những người nổi tiếng thành lập doanh nghiệp và hoạt động quảng bá với tư cách là doanh nghiệp thì họ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT và thu nhập cá nhân. Trường hợp thứ hai, nếu họ làm với tư cách là cá nhân thì họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín nói nếu giữa hai bên có hợp đồng kinh tế thì phải xem lại hợp đồng bên nào là người chịu trách nhiệm đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu như người nổi tiếng chịu trách nhiệm đóng thì xem lại trách nhiệm đóng thuế của họ như thế nào?
Tại Việt Nam, thực tế nhiều người nổi tiếng đang thực hiện nghĩa vụ thuế rất lỏng lẻo, nên cơ quan Nhà nước phải giám sát thu nhập và đóng thuế của họ đến đâu.
Cũng theo ông Tín, người nổi tiếng thường có các khoản thu từ quảng cáo trên trang cá nhân và để không phụ thuộc vào mức kê khai của họ, cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng thúc đẩy việc thanh toán các hợp đồng qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, nên phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác để giám sát, bởi chỉ giao cho mỗi cơ quan thuế thì không thể làm triệt để được.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần tạo thói quen khiến người nổi tiếng có ý thức nộp đúng và đủ thuế thu nhập cá nhân. Cần có cơ chế pháp lý đủ mạnh để thực hiện và có chế tài nghiêm khắc với các hành vi trốn thuế.
Tuy nhiên, để rà soát vẫn là điều khó trong điều kiện hạ tầng hiện nay. Bà Cúc nói việc thu thuế theo đề xuất vẫn được, nhưng phải điều chỉnh nhiều yếu tố, kể cả luật, mới mong khả thi.
Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm thì thừa nhận nếu là giao dịch thuần túy trong nước sẽ chi phối bằng các luật lệ hiện hành, còn những hoạt động khác thì đúng là ngành thuế còn lúng túng.
Ông Trần Ngọc Tâm thông tin TP.HCM có khoảng 13.800 tài khoản Facebook quảng bá sản phẩm hoặc có hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, xác minh cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hình thức giao dịch điện tử trên trang mạng xã hội và các sàn giao dịch đều là những đơn vị đã có đăng ký thuế.
Còn một số dạng chưa đăng ký thuế, đặc biệt là dưới dạng các nickname trên Facebook thì ngành thuế thành phố cũng đã nhận dạng và bước đầu phát động ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của họ. Cơ quan thuế đã gửi thư đến gần 13.800 nickname Faceboook, lập biên bản xác định số liệu kinh doanh với gần 3.780 tổ chức, cá nhân.