Ông Trang Bảo Sơn, Phó trưởng ban quản lý khu Thủ Thiêm đã trao đổi về tình hình kêu gọi đầu tư vào khu đô thị này.
Ông có thể cho biết tình hình kêu gọi đầu tư vào khu đô thị này hiện nay ra sao?
Có thể nói việc thông hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây có tác động rất lớn lên đến các dự án ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố cũng đã chỉ định hai dự án khu vực tiếp cận với đại lộ này là dự án Tháp đa năng và dự án Khu dân cư thấp tầng phía Nam thuộc phường An Lợi Đông – còn gọi là Khu dân cư số 2.
Chúng tôi cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở thầu quốc tế dự án Khu dân cư số 3, nằm kế bên dự án số 2. Hiện đã có bảy hồ sơ tham gia dự thầu các dự án khu dân cư phía Nam .
Ngoài ra, dọc mặt tiền đại lộ Đông Tây sẽ là các cao ốc văn phòng và dịch vụ đa năng với chiều cao tối đa 12 tầng, và hiện đang mời gọi nhà đầu tư.
Còn lại các khu vực khác chúng tôi đang chờ hoàn tất phần bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo dự kiến, việc giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất vào cuối năm 2011 để có thể chủ động thực hiện các dự án nằm trong khu lõi trung tâm, trung tâm chính của Thủ Thiêm - khu vực có các dự án trọng điểm của thành phố như trung tâm hội nghị quốc tế, quảng trường trung tâm, trung tâm tài chính quốc tế và giao dịch thương mại.
Trong tình hình tài chính đang khó khăn hiện nay, việc sắp xếp tài chính là một thách thức với các nhà đầu tư. Do vậy, các nhà đầu tư cũng đang phải tính toán kỹ lưỡng khi tham gia vào dự án. Cho đến thời điểm này chúng tôi chỉ quan tâm đến các nhà đầu tư thật sự đăng ký tham gia, đã được chấp thuận đầu tư, và đang triển khai các thủ tục tiếp theo. Còn việc mời gọi, quảng bá để các nhà đầu tư quan tâm là công việc chúng tôi vẫn làm thường xuyên.
Cách đây vài tháng Ban quản lý khu Thủ Thiêm đã đưa ra lô đất đầu tiên để đấu thầu, kết quả ra sao, thưa ông?
Chúng tôi đã tổ chức đấu thầu lô đất 38-3 với mục đích xây dựng cao ốc văn phòng và dịch vụ. Tuy nhiên, việc dự thầu không được tốt lắm vì tình hình kinh tế. Hiện đang có một nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào dự án này.
Có ý kiến cho rằng hạ tầng không đồng bộ là một yếu tố làm nhà đầu tư e ngại. Tiến độ phát triển hạ tầng ở đây hiện nay ra sao, thưa ông?
Trước tiên là bốn tuyến đường xương sống của khu đô thị, gồm đại lộ Vòng cung, đường Ven hồ - Ven sông, đường trên cao - lưu vực châu thổ. Bốn tuyến đường này là trục chính của hạ tầng kỹ thuật, qua đó sẽ tạo ra điều kiện kết nối cho các tuyến đường khác. Thành phố đã giao cho Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chánh làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang triển khai thiết kế cơ sở khởi công xây dựng hạ tầng vào cuối quý 3-2012. Chúng tôi đang làm việc với quận 2 để bàn giao mặt bằng cho việc phát triển các tuyến đường.
Hạ tầng không phát triển sẽ tác động rất mạnh đến việc triển khai các dự án, vì không có điều kiện hạ tầng tốt đúng theo quy hoạch nhà đầu tư sẽ không quan tâm, có nhiều lý do để từ chối dự án.
Nhiều người cũng cho rằng nhà nước cần phát triển các công trình công cộng nhằm tạo đà cho các dự án khác phát triển theo. Ông nghĩ gì về điều này?
Ai cũng hiểu để tạo nên một sự sầm uất của đô thị cần có các điều kiện kèm theo, trong đó có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhà đầu tư cũng phải hiểu rằng việc chuẩn bị cho một đô thị như thế cần rất nhiều công việc khác nhau. Đôi khi trong điều kiện nhất định thì cũng phải tiến hành đồng thời vì không thể chờ đường xá xong mới làm dự án. Đôi khi đường làm xong mới làm dự án sẽ phá nát đường. Nhip độ công việc thì phải nhanh, nhưng chúng ta giải quyết kịp thời, có điều chính hợp lý về mặt kế hoạch thì tính đồng thời này vẫn có thể đảm bảo được tiến độ.
Khu lõi trung tâm là phần chính yếu của dự án, đặc biệt là trung tâm tài chánh quốc tế. Hiện việc này đang giao cho VietinBank làm nhà đầu tư để chủ động thuê tư vấn và đề xuất ra giải pháp. Nếu giải pháp đó được đồng ý thì thành phố sẽ để cho VietinBank và các nhà đầu tư ở lĩnh vực ngân hàng triển khai ngay những dự án quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm chút thời gian nữa.
Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất quy hoạch 1/500. Còn các dự án khác như quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, hay các công trình công cộng thành phố sẽ có trách nhiệm đầu tư khi quy hoạch chi tiết 1/500 hoàn thành, dự kiến cuối năm 2012.
Với tiến độ đền bù hơn 97% diện tích như hiện nay, có thể nói nhà đầu tư sẽ có ngay đất sạch để thực hiên dự án, nhưng tại sao vẫn còn e ngại?
So với những nơi khác, suất đầu tư tại khu đô thị mới Thủ Thiêm khá cao, trung bình trên 3.000 đô la Mỹ/mét vuông. Giá sàn để đấu thầu do nhà nước quy định nhằm đảm bảo chi phí thành phố đã bỏ ra để thực hiện. Đây cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư phải tính toán.
Ngoài ra, thành phố không cho thiếu tiền thuê đất, mà phải trả tiền ngay, phải đóng theo tiến độ và phải khởi công xây dựng chứ không phải lấy đất xong rồi để đó.
Suất đầu tư cao cũng là một trở ngại, nhưng cũng là một đảm bảo chất lượng của dự án cho mục tiêu lâu dài.
Thủ Thiêm không phải dự án kinh doanh bất động sản mà là một dự án phát triển đô thị nên không thể bán đô bán tháo đi để thu hồi vốn. Do vậy không thể coi đó là một cơ hội đầu cơ, mà phải theo một kế hoạch sát sao gắn liền quy hoạch, thủ tục và tiến độ đầu tư. Do đó, nhà đầu tư phải cân nhắc khả năng của mình.
Như vậy tính tới thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào tham gia vào dự án cao ốc văn phòng, ngoại trừ khu dân cư?
Trong tình hình bất động sản trầm lắng, việc thuê mướn văn phòng không hấp dẫn nữa, nhà đầu tư cũng e ngại tính đồng bộ của đô thị chưa thể hiện tốt, chưa thấy rõ nên người ta ngần ngại đầu tư, thay vào đó, người ta sẽ làm những gì còn có khả năng thu lợi.
Như đã nói ở trên, nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các dự án khu dân cư tại khu vực phía Nam , và về cơ bản là gần như hết đất cho các dự án khu dân cư.
Theo kế hoạch thì bao giờ khu đô thị mới này sẽ thành hình, thưa ông?
Kế hoạch của thành phố là năm 2015 phải có hình ảnh của Thủ Thiêm. Đó thực sự là một thử thách lớn đối với chúng tôi.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quy mô 657 héc-ta, gồm 5 khu chức năng chính:
Khu lõi trung tâm với trung tâm du khách, trung tâm hội nghị, tháp truyền hình, khu giải trí và những không gian đan xen sinh sống làm việc giải trí.
Khu dân cư phía Bắc gồm các cao ốc chung cư cao từ 10 đến 32 tầng với khoảng khoảng 50.000 người sinh sống.
Khu đa chức năng Đại lộ Đông – Tây gồm các công trình cao từ 3 đến 16 tầng.
Khu dân cư phía Đông tiếp với quận 2 và quận 9 với các chung cư cho khoảng 15.000 người.
Khu ngập nước phía Nam gồm khu phục hồi sinh thái, khôi phục rừng tràm, trung tâm nghiên cứu châu thổ, vườn cộng đồng, và vườn bách thảo kết hợp hoạt động thương mại. |