Thử thách trước ngưỡng cửa quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên ATC kết thúc ngày cuối tháng 6 gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư vì mức độ sụt giảm mạnh.
Thử thách trước ngưỡng cửa quý III

Thanh khoản các phiên giao dịch cuối tháng 6 đã giảm xuống mức rất thấp cho thấy mức độ thận trọng của nhiều nhà đầu tư. Điều này diễn ra trong bối cảnh tin tức vĩ mô rất tích cực với GDP quý II tăng 7,7% - mức cao nhất trong 10 năm qua, khiến nhiều nhà đầu tư mất phương hướng.

Dạo qua một vòng nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy bức tranh lợi nhuận quý II khó có sự đột phá. Chẳng hạn, với nhóm bất động sản công nghiệp vốn được kỳ vọng khi giá đất và hoạt động sản xuất đều rất tích cực, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp ngành này, thời gian qua các thủ tục giao đất bị chậm, các tỉnh gần như im ắng.

Nhìn lại TTCK kể từ cuối tháng 5 đến nay, thị trường không có sự cải thiện đáng kể nào, đặc biệt so với TTCK khu vực ASEAN. Tính đến cuối tháng 6, VN-Index giảm gần 20% so với mức đỉnh năm 2022; trong khi Singapore, Thái Lan, Malaysia, Phillipine giảm chưa tới 10%, Indonesia thậm chí còn tăng điểm. Hiện nay, VN-Index đang có mức định giá thấp nhất ASEAN.

Nếu như diễn biến giảm có vẻ đồng pha với TTCK Mỹ, thì khi thị trường Mỹ tăng điểm, VN-Index lại lệch pha. Chẳng hạn, chứng khoán Mỹ đã có tuần tăng điểm ấn tượng sau chuỗi ngày giảm mạnh do lo ngại lạm phát cao và Fed tăng lãi suất đưa chỉ số Dow Jones vượt mức 31.000 điểm trở lại và duy trì trên ngưỡng này trong các phiên gần đây, còn VN-Index vẫn theo xu hướng lao dốc.

Niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh mẽ khiến thanh khoản mất hút trên HOSE, giao dịch khớp lệnh các phiên cuối tuần qua chỉ đạt trên 8.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với trung bình tháng 5. Hàng trăm tỷ USD tài sản của doanh nghiệp và người dân đã bốc hơi khỏi thị trường khi giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Khi thị trường đã giảm quá bán về vùng định giá thấp, các thông tin, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách điều hành, động thái về tín dụng, dòng tiền được ví như dòng máu cho doanh nghiệp khiến nhà đầu tư quan tâm đặc biệt.

Cuối tuần qua, trong khi các thông tin hỗ trợ như khi nào ngân hàng sẽ có hạn mức tín dụng mới, khi nào thị trường trái phiếu được khơi thông trở lại… chưa xuất hiện, thì những thông tin như Ngân hàng Nhà nước ngưng gia hạn và cơ cấu nợ từ 1/7/2022 lại lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thời điểm này có nên bán ra? Có tiền có nên mua dần cổ phiếu, mua cổ phiếu nào? Những câu hỏi này không mới nhưng vẫn khó trả lời. Đây cũng là nội dung được Đầu tư Chứng khoán phân tích sâu trong số báo này với Tiêu điểm “Thị trường liệu có sóng hồi?” trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II.

Khi khó có thể minh định thông tin, có lẽ nên chọn tâm thế như ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán SHS nêu quan điểm “nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, thay vì thông tin đồn đoán. Cần nhìn vào thực trạng doanh nghiệp, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, để tận dụng các cơ hội khi cổ phiếu giảm về mức thấp hơn so với giá trị doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Finn Group cũng nhận xét, nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng tâm lý do tình trạng khuếch đại thông tin tiêu cực. Thực tế, tỷ lệ đòn bẩy nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết giảm cùng với chỉ số bao phủ lãi vay cho thấy khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp này vẫn tương đối ổn định.

Doanh nghiệp tốt sẽ vững hơn khi bối cảnh chung khó khăn, đồng thời sẽ sớm bật nhanh, bật mạnh khi tình hình thuận lợi trở lại và những “gợi ý” về các địa chỉ đầu tư tốt cho nhà đầu tư ngày một hiện diện nhiều hơn trên bảng điện của thị trường giá xuống.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,199.06 21.66 1.81% 89,517 tỷ
HNX 225.75 3.12 1.38% 785 tỷ
UPCOM 88.15 0.65 0.73% 187 tỷ