Như vậy là chỉ còn ngót nghét 20 ngày nữa đã tới cái hạn 30/6 với quy định bắt buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm dư nợ cho vay phi sản xuất về mức 22%. Mặc dù đã siết chặt hết cỡ, thì cái đích đó với nhiều NHTM vẫn là câu hỏi lớn chưa có câu trả lời.
Chứng khoán - Nợ xấu
Hầu hết các dư nợ chứng khoán (CK) từ lâu đã được liệt vào dạng nợ xấu. Mặc dù đã được "phanh" lại từ 1 - 2 tháng trước thì tổng dư nợ loại này cũng còn đến vài phần trăm. Cuộc lao dốc liên tục của thị trường CK đã khiến cho nhiều CTCK chấp nhận cắt lỗ để lấy tiền trả nợ ngân hàng bởi không thể chịu nổi mãi mức lãi suất "khủng". Bởi động thái tích "cực... chẳng đã" ấy mà dư nợ CK trong tháng 4 - 5/2011 đã giảm đến 40 - 50%.
Đó là nói về những CTCK có "mác mỏ" thà chịu lỗ còn hơn chịu tiếng, còn thì phần lớn những con nợ CK loại nhỏ đều chưa biết trông vào đâu trả lãi chứ đừng nói gì đến trả hết món nợ CK. Với tình trạng "đỏ đèn" liên tục trên bảng CK, e rằng khả năng có thể chi trả cho khoản vay này luôn luôn là... bất khả thi.
BĐS - Nợ khó đòi
Thu nợ BĐS hiện tại khó còn hơn... lên trời. Đó là phát biểu của hầu hết bộ phận tín dụng của mọi NHTM. Tình trạng bất ổn của thị trường BĐS kéo dài mấy tháng qua mà chẳng hề thấy một tia sáng nào khả dĩ cho ta ít hy vọng vào sự ấm áp sẽ tới. Ảm đạm và giá băng đó là tình trạng chung của thị trường này, đặc biệt là với thị trường căn hộ chung cư. Không bán được hàng, thì chủ đầu tư lấy đâu tiền mà trả ngân hàng. Vốn còn không thu hồi được nói gì đến chuyện trả nợ. Câu chuyện "con kiến - cành đa" này nghe chừng còn kéo dài dài.
Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành - cho biết: "Thời gian qua thị trường BĐS hầu như đóng băng, các dự án đều không bán được sản phẩm, hoặc chỉ tiêu thụ được một số lượng rất ít. Ngay cả những dự án căn hộ giá trung bình nhiều chủ đầu tư cũng đã phải chấp nhận bán với giá gốc để mong thu hồi vốn. Không huy động được vốn của khách hàng, đồng nghĩa với việc nhiều DN BĐS sẽ không còn tiền để tiếp tục triển khai dự án, và nếu tình trạng này kéo dài, những hậu quả xấu hơn nữa có thể xảy ra".
Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinaland - nhận định: "Không chỉ chủ đầu tư mà hầu hết khách hàng mua căn hộ đều trông cậy vào nguồn vốn tín dụng. Trong khi đó, thời gian qua, hầu hết NHTM đều "đóng cửa" với tín dụng BĐS, chưa kể mức lãi suất cao ngất ngưởng đã làm cho nhiều người có nhu cầu mua nhà để ở thực sự cũng chùn tay".
Ai cũng thấy khả năng trả nợ cho ngân hàng của các DN BĐS hiện tại gần như vô vọng. Tín dụng càng siết chặt, thị trường càng đóng băng, và các DN kinh doanh BĐS càng không thể bán sản phẩm của mình, thậm chí sang nhượng dự án để trả nợ cũng không dễ dàng gì. Cái vòng "con kiến - cành đa" vì thế mà luẩn quẩn.
Cần bao nhiêu thời gian?
Chẳng ai dám nói cần bao nhiêu thời gian để thị trường BĐS hồi phục. Song hơn ai hết, các NHTM đang rất cần có thêm thời gian để đạt được mục tiêu trở về mức 22% dư nợ cho vay phi sản xuất mà NHNN đã tuyên bố. Các vị giám đốc NHTM đều kêu khó với việc thu nợ BĐS bởi khoản vay thường là rất lớn mà chẳng mấy khi trung hạn hoặc ngắn hạn. Nhiều vị than thở rằng đã làm hết sức mà dư nợ phi sản xuất đến thời điểm này vẫn còn trên 30%, thì có mà "mọc cánh" cũng không thể kịp cái đích 30/6.
Cuộc chạy đua nước rút xem ra sẽ có rất ít "tuyển thủ" về được đích 30/6. Mà nếu không về được đích đúng thời hạn thì các NHTM sẽ phải chịu một hình thức xử lý mà NHNN đã cảnh báo là sẽ tăng gấp đôi dự trữ bắt buộc và hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012.
Nghe nói NHNN vừa có một cuộc họp với các NHTM về chuyện lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay. Trong đó chắc chắn không thể không bàn đến cái đích 30/6 đầy thách thức này. Và nếu có, chẳng cần ai bảo ai, chắc chắn các NHTM sẽ "đồng thanh": Xin lùi.