Thu nhập ngoài lãi: cú bẻ lái chiến lược
“Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD ngày càng cải thiện đã mang lại những lợi ích lớn cho các ngân hàng”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ.
Quả vậy, nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, thu nhập ngoài lãi của hầu hết ngân hàng tăng mạnh.
Chẳng hạn, tại SCB, đối với các hoạt động phi tín dụng, thu phí dịch vụ được cho biết tiếp tục là thế mạnh của Ngân hàng với mức tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 763 tỷ đồng.
Các hoạt động khác như bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán cũng có nhiều kết quả tích cực, như tổng doanh số bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm đạt 400 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2018, lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán tăng trưởng 33%, đạt 420 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, đóng góp lớn nhất vào tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng tiếp tục là nguồn thu nhập lãi thuần, đạt 22.428 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ đã tăng trưởng ấn tượng tới 93,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.942 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019.
“Con số này cho thấy Ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện tốt chiến lược đa dạng hóa nguồn thu và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu lãi thuần”, một lãnh đạo cao cấp VPBank chia sẻ.
Còn tại Techcombank, thu nhập ngoài lãi tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018 lên 4.300 tỷ đồng và chiếm 30% tổng doanh thu.
Với VietinBank, thực hiện có kết quả định hướng tăng thu dịch vụ qua phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cùng mở rộng nền tảng khách hàng, thu thuần dịch vụ của Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2019 tăng 53%, thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng hơn 120% so với cùng kỳ.
Thông tin từ VIB cho thấy, mảng dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh với khoản lãi thuần là 1.276 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm 2018. Đây là ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao, với 2 sản phẩm cho vay chủ lực là cho vay mua nhà ở và cho vay ô tô, chiếm tỷ trọng 80% tổng dư nợ bán lẻ.
“Ngoài ra, VIB cũng là ngân hàng luôn nằm trong top đầu về doanh số phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến khách hàng và là đối tác lớn, uy tín, phân phối trên 80% doanh số bancasurrance của Prudential tại Việt Nam”, một lãnh đạo cao cấp VIB tiết lộ.
Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, trong nửa đầu năm 2019, thu nhập ngoài lãi của toàn hệ thống đã tăng trưởng mạnh đến từ: Thứ nhất, tăng trưởng từ phí dịch vụ 46% so với cùng kỳ nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ; thứ hai, tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng; thứ ba, thu từ bán chéo sản phẩm bancassurance.
Đẩy mạnh khai phá “mảnh đất” nhiều tiềm năng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, với định hướng hạn mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo mức trần của NHNN trong những năm vừa qua và thời gian tới, các ngân hàng đã buộc phải thay đổi kế hoạch.
Tuy vậy, với việc nhiều ngân hàng chịu lỗ lớn từ mua bán chứng khoán đầu tư, ngoại hối… nên việc tăng thu nhập ngoài lãi tập trung vào công nghệ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng hay độc quyền phân phối bảo hiểm (bancassurance) là những chiến lược nhằm gia tăng lợi nhuận cho các ngân hàng.
Vietcombank đã đặt tham vọng đạt 2 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025, phí dịch vụ sẽ có một tỷ trọng đáng kể trong con số này.
Một trong những bước đi mạnh mẽ của kế hoạch này được thị trường đánh giá là động thái Vietcombank và FWD vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác bancassurance có thời hạn 15 năm.
Theo thỏa thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng đồng ý mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (“VCLI”), công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif.
“FWD Việt Nam - đơn vị được Tập đoàn bảo hiểm FWD giao trực tiếp triển khai thỏa thuận hợp tác - có ưu thế nổi bật trong việc ứng dụng kỹ thuật số vào tất cả quy trình của hoạt động bảo hiểm, có quan điểm phát triển sản phẩm đa dạng, đơn giản, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, tương thích với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số và chiến lược phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ của Vietcombank”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết.
Còn tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thông tin, với sự hợp tác, hỗ trợ chiến lược dài hạn của KEB Hana Bank, Tập đoàn Tài chính Hana, BIDV sẽ có cơ hội để phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sản phẩm, tiện ích của khách hàng...
Nói về viễn cảnh hợp tác tương lai giữa KEB Hana và BIDV, ông Ji Sung Kyu, Tổng giám đốc KEB Hana Bank chia sẻ: “BIDV đang quản lý nhiều công ty tài chính đa dạng như chứng khoán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, đầu tư tài chính, nên trong tương lai, hai tập đoàn tài chính sẽ không chỉ phát triển hợp tác trên lĩnh vực ngân hàng thương mại, mà còn tăng cường hợp tác trong cả các lĩnh vực như thẻ, chứng khoán, vốn, bảo hiểm và Fintech.
Tôi hy vọng rằng, giao dịch đầu tư chiến lược lần này của KEB Hana Bank vào BIDV sẽ là chìa khóa mở ra triển vọng hợp tác đầu tư mới trong lĩnh vực Fintech và các lĩnh vực tài chính khác, bên cạnh mảng ngân hàng thương mại”.
Báo cáo của BSC kỳ vọng: “Trong năm 2019, thu nhập ngoài lãi của toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2018 đối với toàn hệ thống nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân và khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng (bancassurance, trái phiếu...)”.
Trong khi đó, thông tin từ NHNN cho biết, tình hình kinh doanh năm 2019 tiếp tục có cải thiện tốt, các TCTD kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng cao so với năm 2018, huy động vốn đến cuối năm nay cũng được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối 2018.
Trong thời gian tới, 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý IV/2019 và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018. Trong đó, 28,4 - 29,7% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều (cao hơn so với tỷ lệ 20 - 27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).