Thu nhập của người dân đã tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê), sau 2 năm bị giảm, năm 2022 ghi nhận thu nhập bình quân đầu người tăng trở lại.

Kinh tế vào đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát. Thưa bà, đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm nay có được cải thiện đáng kể?

Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê)

Bà Phạm Thị Quỳnh Lợi, Vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và Môi trường (Tổng cục Thống kê)

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư trong 6 tháng đầu năm 2022, vừa được Tổng cục Thống kê thực hiện, thì đời sống người dân đã được cải thiện so với năm 2021.

Cụ thể, 78,55% số hộ gia đình giữ nguyên hoặc tăng thu nhập so với cùng kỳ năm 2021, như vậy vẫn còn tới 21,45% số hộ gia đình bị giảm thu nhập. Trong số hộ gia đình bị giảm thu nhập, có gần 83% cho biết vẫn bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, do thành viên của hộ mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc (chiếm 18%); trên 14% bị giảm thu nhập do chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng lên.

Còn nếu xét về mức sống, ngay cả những gia đình giữ nguyên được thu nhập như cùng kỳ năm 2021 thì mức sống cũng bị tác động tiêu cực bởi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá xăng dầu tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm; ngành điện cũng không còn giảm giá điện cho người dân như năm 2021, nên chi phí thiết yếu của người dân bị tăng lên.

Còn thu nhập của người lao động thì sao?

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II vừa qua là 6,6 triệu đồng, tăng 206.000 đồng so với quý I/2022 và tăng 542.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khá tích cực, bởi thông thường mọi năm, thu nhập của người lao động trong quý II bao giờ cũng giảm so với quý I, do quý I trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên hầu hết người lao động đều tăng được thu nhập như tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng, tiền Tết... ít nhất cũng được thêm một tháng thu nhập (tháng lương thứ 13).

Nhưng năm nay lại khác. Mặc dù trong quý I, người lao động cũng được tăng thu nhập như mọi năm, nhưng nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc, mất việc, giãn việc giảm, nên thu nhập của người lao động được cải thiện. Bên cạnh đó, sau một thời gian bị đứt gãy chuỗi cung ứng và đầu ra bị ngưng trệ, từ cuối năm ngoái, rất nhiều doanh nghiệp đã ký được đơn hàng xuất khẩu dài hạn, vì vậy người lao động có cơ hội làm thêm giờ nên đã tăng được thu nhập.

Chính vì vậy, so với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay tăng được gần 9%, còn so với cùng kỳ năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thì thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng gần 1,1 triệu đồng.

Bà dự báo thế nào về thu nhập của người dân trong 6 tháng cuối năm?

Chắc chắn là tiếp tục được cải thiện so với 6 tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2021, bởi thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động kể từ ngày 1/7/2022, với mức tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu cũ.

Lương tối thiểu vùng tăng, không chỉ trực tiếp tăng ngay thu nhập cho người lao động, mà nhờ việc tăng lương nên người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, qua đó tiếp tục tăng được thu nhập. Bên cạnh đó, giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nếu không tiếp tục giảm nữa mà giữ nguyên mức giá như hiện nay, thì người lao động cũng giảm được chi phí xăng dầu, chất đốt (gas). Xăng dầu giảm giá, chắc chắn nhiều loại hàng hóa, dịch vụ sẽ phải giảm giá, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Nhiều định chế tài chính thế giới dự báo, trong quý II và quý III/2022, Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 8-9%. Kinh tế tăng trưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thì thu nhập của người lao động, đời sống của người dân đương nhiên được cải thiện, bởi mức độ chênh lệch giàu - nghèo của Việt Nam cũng không phải là quá lớn (20% số hộ giàu nhất có thu nhập gấp khoảng 8 lần so với 20% số hộ nghèo nhất).

Mức thu nhập của người dân được cải thiện là so với năm 2021, còn thực tế so với thời kỳ trước đại dịch thì sao, thưa bà?

Thu nhập của người dân tăng liên tục cho đến năm 2019, nhưng năm 2020 và năm 2021 đã chứng kiến sự giảm sút. Cụ thể, nếu như năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người dân đạt 4.295.000 đồng, thì năm 2020 giảm xuống còn 4.250.000 đồng và năm 2021 chỉ còn 4.205.000 đồng; nếu trừ đi lạm phát thì mức sống của người dân còn bị giảm mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, năm nay phải phấn đấu tối đa thì thu nhập của người dân mới vượt qua năm 2019.

Để tăng thu nhập cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân, theo tôi, các địa phương phải tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg. Cho đến nay, số tiền giải ngân và số người được thụ hưởng đạt được rất ít so với số dự kiến, thậm chí ở rất nhiều địa phương vẫn chưa có người lao động nào được hưởng chính sách ưu đãi đầy nhân văn này.

Bên cạnh đó, các địa phương phải tập trung triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 30/1/2022) hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Chỉ khi kinh tế phục hồi và phát triển, thì mới tăng được thu nhập cho người lao động, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục