Thu hút vốn FDI, nhìn từ Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2006, tôi về đầu tư khu công nghiệp tại Bắc Giang, theo gợi ý “địa phương còn nhiều khó khăn, cần giúp đỡ”. Thời điểm ấy, sau 20 năm mở cửa nền kinh tế, Bắc Giang mới chỉ thu hút được 20 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng tới nay, Bắc Giang đã nhiều lần đứng đầu trong danh sách các địa phương thu hút vốn FDI.
Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Nhà máy Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang.

Năm 2023, Bắc Giang đặt mục tiêu thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI và hiện đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch. Đây thực sự là những con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang u ám và một số địa phương khác “thất bát” trong thu hút vốn đầu tư.

Khu công nghiệp Quang Châu được xem là một trong những điển hình thành công trong phát triển khu công nghiệp của Bắc Giang. Khu công nghiệp hiện hữu 426 ha đã được lấp đầy 100% diện tích, thu hút 41 dự án đầu tư, bao gồm 37 dự án FDI, 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 67.000 lao động. Trong đó, có dự án của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Foxconn, Luxshare-ICT, JA Solar, Siflex, Samkwang, Crystal Martin, Lens…

Thành công này là tiền đề để chúng tôi mở rộng khu công nghiệp này từ 426 ha lên 516 ha. Giai đoạn mở rộng với diện tích hơn 90 ha đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm khảo sát, đăng ký thuê với tỷ lệ lấp đầy dự kiến đạt hơn 90%.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi trong suốt quá trình KBC đầu tư khu công nghiệp tại Bắc Giang là lãnh đạo tỉnh đón tiếp rất nồng hậu, luôn quan tâm và hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư để nhanh chóng triển khai dự án. Câu chuyện thành công của Bắc Giang mà tôi nhắc tới nhằm rút ra những bài học lưu ý cho các địa phương trong thu hút dòng vốn FDI.

Với xu hướng phát triển xanh khắp thế giới hiện nay, các địa phương không còn thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, thay vào đó chọn con đường bền vững, dài hạn. Việc quan tâm ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ là chiến lược thu hút đầu tư mấu chốt. Để thực hiện chiến lược thu hút đầu tư chọn lọc này, theo tôi, các tỉnh cần làm những việc sau:

Thứ nhất, đầu tư và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung của tỉnh và cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thời gian qua, nhiều địa phương đã đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp như hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước; hạ tầng xã hội, các loại dịch vụ và thương mại, trường học...

Tuy vậy, cũng cần xây dựng các khu công nghiệp gắn với khu đô thị, góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở công nhân, bảo đảm cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại, gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.

Thứ hai, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Tại các địa phương thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, không hẳn chính sách có nhiều khác biệt, mà “bí quyết” nằm ở sự vào cuộc quyết liệt, tính năng động thể hiện khát vọng phát triển của lãnh đạo tỉnh. Sự thân thiện của chính quyền, nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư đã tạo nên lợi thế của địa phương, ngoài vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào.

Thứ ba, chiến lược thu hút đầu tư khác biệt và quản lý các dự án đầu tư hiệu quả. Các tỉnh cần đa dạng, chuyên nghiệp hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang thu hút đầu tư chủ động và có chọn lọc các dự án đầu tư theo bộ tiêu chí đã ban hành.

Thứ tư, tập trung cho công tác quy hoạch, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng khu công nghiệp. Chẳng hạn, để tạo quỹ đất sạch, kịp thời đón các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế thế giới thuộc chuỗi cung ứng của Apple, Samsung, Honda..., Bắc Giang đã đôn đốc việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư đã được duyệt.

Đặng Thành Tâm
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã KBC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục