
Sáng 22/4, Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIPCS) 2025 với chủ đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình” khai mạc tại Hà Nội, quy tụ hơn 1.000 đại biểu và hơn 200 nhà đầu tư đến từ châu Á, khu vực Vùng Vịnh và châu Âu.
Diễn đàn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính phối hợp với Tổ chức Phát triển Đầu tư Vốn Tư nhân Việt Nam (VPCA) tổ chức, với sự đồng hành của Golden Gate Ventures và Do Ventures. Diễn đàn VIPC năm nay là sự kiện nối tiếp diễn đàn hàng năm về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Viet Nam Venture Summit). Trải qua 4 kỳ tổ chức thành công, Diễn đàn không chỉ là một sự kiện mang tính kết nối, mà còn góp phần định vị Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á.
![]() |
Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIPCS) 2025 |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đặc biệt là vốn tư nhân, nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy các ngành công nghệ tiên phong.
Nhắc đến Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết, trong đó đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt khuyến khích nguồn vốn đầu tư tư nhân.
"Sự kiện khẳng định sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính luôn đồng hành, đối thoại với các nhà đầu tư, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo", ông Tâm nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, trong bối cảnh hiện nay, các công nghệ và ứng dụng được nghiên cứu, phát triển một cách nhanh chóng và được áp dụng ở hầu hết mọi khu vực trên thế giới, cho phép các nước đang phát triển như Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng được những tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mới nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đang trong giai đoạn mà bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường và có rất nhiều thách thức như vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số...
"Điều đó đòi hỏi tất cả chúng ta cần đoàn kết, nỗ lực gấp đôi và cùng nhau vượt qua những thách thức để tập trung nguồn lực đầu tư, nuôi dưỡng và tận dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ hướng tới phát triển nền kinh tế xanh và bền vững", Thứ trưởng Tâm kêu gọi.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.
Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt như: Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư; và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
"Đảng, Chính phủ nhận thức rõ, Việt Nam hiện đứng ở một thời điểm quan trọng cho sự chuyển đổi hướng tới nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững", ông Tâm nói.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Tài chính là cầu nối hiệu quả, tích cực triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động, sáng kiến để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của Việt Nam, kết nối với hệ sinh thái toàn cầu.