Thu hút FDI trông chờ dự án lớn

Dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng suy giảm, song tình thế có thể thay đổi, nếu như các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020. Thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020.

Giữ trọn cam kết

Tập đoàn Texhong đã giữ cam kết của mình với Chính phủ Việt Nam, khi vừa quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất vải dệt kim, với tên gọi Texhong Dệt kim, tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), vốn đầu tư 214 triệu USD. Đây chính là khu công nghiệp mà Texhong đầu tư hạ tầng, với vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng (tương đương 210 triệu USD), để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các lĩnh vực dệt may, xơ sợi…

Đầu tháng 3/2020, trong cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Texhong, ông Tao Hui, Tổng giám đốc Texhong Việt Nam cho biết, Texhong dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong năm 2020.

Và bây giờ là khoản vốn đầu tư đầu tiên trong năm nay. “Sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, cũng như nỗ lực phòng chống Covid-19 của Việt Nam đã khích lệ, tạo động lực và niềm tin để Tập đoàn quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, ông Tao Hui nói.

Thu hút FDI trông chờ dự án lớn ảnh 1

Thu hút đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2020.

Texhong chỉ là một trong số những nhà đầu tư vẫn giữ đúng cam kết đầu tư với Việt Nam. Và đó là một trong những lý do khiến trong tháng 6/2020, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng trở lại, sau khi giảm trong tháng 5.

Cụ thể, tháng 6/2020, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước đã thu hút được 1,79 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 14,9% so với tháng 5/2020.

Tuy vậy, sự dịch chuyển nhẹ trong tháng 6/2020 chưa đủ để kéo xu hướng suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài từ đầu năm tới nay có cú xoay chuyển ngoạn mục. 6 tháng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ.

Điểm tích cực là, dù tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm, nhưng phần giảm chỉ nằm ở các thương vụ góp vốn, mua cổ phần, đúng hơn là giá trị các thương vụ. Bởi thực tế, số lượt góp vốn, mua cổ phần trong nửa đầu năm là 4.125 lượt, vẫn tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Một số dự án đáng chú ý

 Tháng 6/2020, ngoài dự án của Texhong Dệt kim, còn có Dự án Nhà máy sản xuất bản mạch điện tử cho thiết bị đeo của USI (Trung Quốc) được cấp chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 200 triệu USD. Bên cạnh đó, còn có thể kể đến Dự sán Sản xuất bộ dây điện dùng cho xe ô tô của Furukawa Automotive Systems (Nhật Bản) tại Vĩnh Long, vốn đầu tư 48,8 triệu USD…    

“Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn bị ảnh hưởng”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Trên thực tế, mặc dù trong 6 tháng qua, vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm vẫn tăng, tương ứng đạt 8,44 tỷ USD và 3,7 tỷ USD, nhưng chủ yếu là nhờ các dự án lớn, đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD, như Điện khí Bạc Liêu 4 tỷ USD, Hóa dầu miền Nam tăng vốn 1,386 tỷ USD…, thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 70,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Hơn nữa, trên thực tế, số lượng dự án đầu tư nước ngoài, dù là đăng ký mới hay tăng thêm, đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, số dự án đăng ký mới giảm 17,7%, còn số dự án tăng vốn giảm 16,2%. Điều này cho thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Ẩn số nằm ở các dự án lớn

Dù hiện tại, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng suy giảm, song tình thế có thể thay đổi, nếu như các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư và nếu, làn sóng dịch chuyển đầu tư tiếp tục đổ đến Việt Nam sau đại dịch Covid-19, như dự báo của nhiều chuyên gia.

Thậm chí, khá lạc quan, ông Don Lam, CEO của VinaCapital còn cho rằng, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới hấp dẫn được các công ty đa quốc gia hiện nay. Lý do không chỉ xuất phát từ lợi thế là lao động chất lượng cao, chi phí thấp, vị trí thuận lợi…, mà còn vì các nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tìm đến một điểm đến tiềm năng ngoài Trung Quốc cho việc đặt các cơ sở sản xuất trong tương lai.

Cũng theo ông Don Lam, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh cũng đã củng cố thêm niềm tin để các nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là điều đã được nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề là, dòng vốn này sẽ vào Việt Nam đến đâu và liệu năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn biến như thế nào? Câu trả lời là nằm ở các dự án lớn, ở các quyết định đầu tư của các đối tác lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Có một điểm thú vị trong “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay, đó là các thứ hạng đã bị đảo lộn khá nhiều. Không còn Hàn Quốc, Nhật Bản ở vị trí dẫn đầu, mà thay vào đó là Singapore đứng hàng thứ nhất, Thái Lan đứng hàng thứ hai, sau đó mới đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hai dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng qua là của nhà đầu tư Singapore và Thái Lan, thế nên, dễ hiểu vì sao có sự “đổi ngôi” như vậy. Tuy nhiên, xét về số lượng dự án đầu tư, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Hàn Quốc vẫn đứng thứ nhất (372 dự án), sau đó đến Trung Quốc (207 dự án), Nhật Bản (154 dự án)… Có nghĩa, các nhà đầu tư truyền thống, đứng đầu lâu nay trên thực tế vẫn rất coi trọng điểm đến Việt Nam.

Chỉ một dự án lớn, như Dự án Điện khí của Exxon Mobil, 4 tỷ USD, ở Hải Phòng, nhận được cái gật đầu của chính quyền địa phương, cục diện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm nay sẽ thay đổi, cả về lượng vốn lẫn bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Thông tin cho biết, Hải Phòng đang muốn “hối thúc” Chính phủ sớm thông qua dự án này.

Trong khi đó, “đầu cầu” phía Nam cho biết, AEON đang rục rịch khởi động kế hoạch đầu tư trung tâm thương mại lớn ở Cần Thơ. Nhiều thông tin cho biết, Tập đoàn Pegatron muốn đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Foxconn cũng đang lên kế hoạch mở rộng các nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh, Bắc Giang… Nếu tất cả các kế hoạch này sớm trở thành hiện thực, sao sẽ đổi ngôi.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục