Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 – Cưỡi trên ngọn sóng số do Forbes Việt Nam kết hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Do Ventures tổ chức ngày 30/3.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt trên 22 tỉ đô la, tăng 13,5% so với năm trước và đây là những con số cao nhất trong vòng từ năm 2018 đến nay. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2022 đạt khoảng 208.000 doanh nghiệp, tăng hơn 30% so với năm 2021, trong đó có hơn 148.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tới khoảng 70 %.
Bên cạnh đó, đã có 41 quỹ đầu tư phát triển cam kết đầu tư 1,5 tỷ đô la vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2025. Dự kiến tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong thời gian này sẽ đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ
Trong bảng xếp hạng của StartupBlink về hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so với năm trước. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đều được cải thiện và đứng thứ hạng cao cùng với các nước phát triển.
“Việt Nam vẫn duy trì được vị trí trong nhóm 50 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu (thứ 44/132) là một nỗ lực rất lớn. Đó là dấu hiệu đáng khích lệ khi Việt Nam chuyển từ khả năng phục hồi sang quá trình phát triển bứt phá,” Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, dù có những con số hết sức ấn tượng, song hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Việt Nam chưa được khai thác tối đa về tiềm năng thu hút đầu tư.
Trong đó, dễ dàng thấy là số lượng “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam chưa nhiều, chỉ có bốn startup đạt được danh hiệu này. Trong khi đó, các thị trường khác thì con số “kỳ lân” này lại rất cao. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chưa nhiều và chưa có nhiều các khoản đầu tư lớn.
“Mặc dù nằm trong 50 nước có chỉ số phát triển vì sáng tạo cao nhưng chúng ta đang bị cạnh tranh rất nhiều. Các quốc gia khác đang không ngừng đổi mới, và chúng ta cũng cần liên tục đổi mới về mọi mặt, kể cả với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách,…”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thật sự chặt chẽ; thủ tục thành lập các quỹ đầu tư cũng bị phản ánh là còn phức tạp.
Với vai trò là cơ quan giao lưu, tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng chính sách về đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả các dự án vừa mới sáng tạo tiềm năng cũng như để hình thành một môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo thực sự có hiệu quả.