Thu hút đầu tư từ Đức cần lộ trình cụ thể

0:00 / 0:00
0:00

GS-TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF cho rằng, muốn tiếp cận thành công thị trường Đức và EU, Việt Nam cần định rõ chiến lược xúc tiến đầu tư trên diện rộng với lộ trình cụ thể.

GS-TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann vì tự do (FNF) tại Việt Nam. GS-TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann vì tự do (FNF) tại Việt Nam.

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức được cho là chưa tương xứng với tiềm năng. Ông nhận diện những khoảng trống trong hợp tác hai bên ra sao?

Nhận định đó hoàn toàn đúng, nhưng cần nhắc lại là, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đức đã có bước phát triển rất tích cực từ nền tảng thấp. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên còn khiêm tốn là do nền kinh tế Đức tập trung rất nhiều vào thị trường EU và châu Âu, hầu hết các đối tác của Đức đến từ khu vực này.

Trong khi đó, Việt Nam cách xa Đức về mặt địa lý. Có thể ngày nay, khoảng cách đó được rút ngắn với 12 giờ đồng hồ bay giữa hai nước, nhưng do Covid-19, nên việc đi lại, giao thương bị hạn chế.

Lúc này, cần đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đức vào Việt Nam. Phía Đức có một số đơn vị làm xúc tiến đầu tư, như Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) hoạt động rất năng nổ. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cần có các chiến lược xúc tiến thương mại và đầu tư rộng khắp tại Đức và châu Âu - điều mà tôi đã thấy được từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông, có cách nào kích thích dòng vốn Đức vào Việt Nam?

Làm việc 18 năm cho Deutsche Bank, tôi nhận ra một điều rằng, không phải mọi khách hàng đều đến với bạn vì thương hiệu. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá và các đồng nghiệp trong nhóm của tôi đã triển khai mạnh mẽ hoạt động marketing, các sáng kiến để thu hút sự tham gia của khách hàng.

Tương tự, Việt Nam cần có các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư sâu rộng hơn tại Đức và EU. Cần có thêm những sự kiện và hội nghị xúc tiến đầu tư sau Covid-19 và mời gọi doanh nghiệp/nhà đầu tư Đức và châu Âu tham gia để giới thiệu hình ảnh Việt Nam là một điểm đến đầu tư thú vị.

Theo tôi, Việt Nam cần thiết lập những đầu mối lớn tại Đức để hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư tại thị trường này. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức (BVMW) có một chuyên gia rất tham vọng đối với thị trường Việt Nam và phía Việt Nam có thể tiếp cận tổ chức này để xây dựng mạng lưới kết nối.

Cá nhân tôi sẵn sàng thảo luận với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay các đơn vị khác để tổ chức các hoạt động quảng bá Việt Nam tại thị trường Đức và EU.

Việt Nam cần định rõ chiến lược xúc tiến và thu hút đầu tư sâu rộng từ Đức và EU với lộ trình cụ thể ngay từ bây giờ và triển khai sớm nhất. Đây là điều mà tôi và nhiều chuyên gia khác đã khuyến cáo trước đó.

Theo quan sát của ông, nhà đầu tư Đức quan tâm nhiều đến những lĩnh vực nào ở Việt Nam?

Không thể đếm xuể những cơ hội mà thị trường Việt Nam mở ra cho các nhà đầu tư. Nhưng xu hướng phát triển xanh và bền vững có thể khiến các nhà đầu tư Đức quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực xử lý chất thải, nước thải tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM và phát triển năng lượng tái tạo (điện gió) tại Ninh Thuận.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Đức muốn nhắm đến chiến lược “Made in Vietnam” nhưng “Designed by Germany” - tức là đầu tư sản xuất tại Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu về Đức, vì thị trường Việt Nam có quy mô gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu và người giàu đang gia tăng, thu nhập của người dân được cải thiện.

Nói rộng ra, Việt Nam và thị trường ASEAN sẽ là điểm đến của những dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế tạo, cơ khí và điện tử…

Quang Đăng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục