Vị này kể, gần đây, bất chấp kinh tế toàn cầu diễn biến bất lợi, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có những đánh giá rất tích cực về địa điểm đầu tư - kinh doanh Việt Nam. Vị trí địa lý, nhân khẩu học, các chỉ số kinh tế vĩ mô… cũng như dư địa từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều là những điểm cộng hấp dẫn của Việt Nam so với nhiều nền kinh tế khác. Song dường như, những thế mạnh đó chưa đủ để nhà đầu tư quyết định xuống tiền.
Có 2 lý do chủ quan chính khiến dòng vốn này ngập ngừng. Đó là khung pháp lý và thủ tục hành chính. Đặc biệt, với những mô hình kinh doanh mới - luôn có xu hướng tìm đến những nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, thì không chỉ hệ thống pháp luật vẫn đang cần hoàn thiện, mà năng lực hiểu, chấp nhận cái mới một cách chủ động và nhanh từ các sở, ban, ngành, địa phương hiện chưa cao cũng đang là rào cản.
Đây còn là một phần nguyên nhân của sự sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 năm gần đây.
Sau 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã được nhắc đến như một ví dụ của sự phát triển thần kỳ, với những thành tựu ghi đậm dấu ấn của các thương hiệu toàn cầu. Cùng với đó, nhiều câu chuyện thành công của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - như Samsung, cũng được viết lên hay nhắc đến.
Tuy nhiên, các điều kiện tạo nên sự thần kỳ trong quá khứ không thể tiếp tục. Thị trường toàn cầu đang dịch chuyển theo những yêu cầu phát triển bao trùm, xanh hơn, bền vững hơn, buộc các nhà đầu tư lớn phải thay đổi. Họ đặt các yêu cầu khá cao về phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội… Nền kinh tế Việt Nam, cũng như nhiều nền kinh tế thế giới, đang có nhu cầu chọn lựa dòng vốn đầu tư nước ngoài với những tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Cuộc cạnh tranh trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thế hệ mới đang diễn ra rất căng thẳng, song đây cũng là cơ hội vàng để Việt Nam thực hiện chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chất lượng, hiệu quả, gắn kết với doanh nghiệp trong nước, vì mục tiêu thịnh vượng hơn của nền kinh tế.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp sau những cam kết của Chính phủ về việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, dễ dự đoán, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu, trong vòng 2-3 tháng tới sẽ có một số chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ba mục tiêu được xác định là giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu; đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư mới và bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang được thúc đẩy để cải thiện năng lực cạnh tranh, đủ sức đi cùng, cộng hưởng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Cũng phải nhắc lại một câu nói mà lãnh đạo Samsung Việt Nam thường chia sẻ khi nói về bài học đầu tư thành công tại Việt Nam. Đó là Việt Nam không chỉ là một thị trường đầu tư, mà là nơi nuôi dưỡng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xác định rõ không muốn hưởng lợi rồi rời đi, mà sẽ bồi đắp mảnh đất này, đồng hành cùng phát triển.
Bức tranh về môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam đang rõ nét hơn, với những cam kết, lòng tin và đòi hỏi trách nhiệm cụ thể hơn.