Thu hút đầu tư nước ngoài theo danh mục quốc gia: Đường vẫn còn xa

Danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đã được ban hành từ hơn 3 năm trước, nhưng vẫn không dễ thu hút được lượng vốn lớn.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn đang trong giai đoạn đầu chuẩn bị, do vấp phải khá nhiều quan điểm trái chiều. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn đang trong giai đoạn đầu chuẩn bị, do vấp phải khá nhiều quan điểm trái chiều.

Đường còn xa

Đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng nếu dùng cụm từ “đường còn xa” để bình luận về việc thu hút đầu tư nước ngoài theo danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia. Đó là vì, bây giờ mới là nửa cuối năm 2017, trong khi Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài có thời hạn được đưa ra vào cuối năm 2020.

Có nghĩa rằng, vẫn còn hơn 3 năm nữa để thực hiện mục tiêu này. Nhưng đường cũng còn xa là bởi nếu nhìn lại, có vẻ như chưa nhiều dự án trong danh mục này đã được kêu gọi đầu tư thành công.

Cuối tháng 4/2014, Danh mục đã chính thức được Chính phủ ban hành, với 127 dự án và tổng vốn đầu tư cần kêu gọi lên tới gần 60 tỷ USD.

Thời điểm đó, sự ra đời của Danh mục đã gây sự chú ý của dư luận, bởi Danh mục có cách tiếp cận theo ngành, chứ không phải theo địa phương như trước. Và cũng chỉ một số ngành được lựa chọn để tập trung thu hút đầu tư nước ngoài ở tầm quốc gia theo định hướng của Chính phủ trong giai đoạn tới.

Đó là các ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nông nghiệp, bảo quản - chế biến và các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Các hình thức thu hút đầu tư cũng rất phong phú, bao gồm cả theo hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hợp tác công - tư (PPP), trong đó có BOT; ODA…

Cũng vào thời điểm đó, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào các dự án quy mô lớn, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, không nhiều dự án trong số này kêu gọi thành công.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do vấp phải khá nhiều quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên đầu tư, vẫn đang trong giai đoạn đầu chuẩn bị. Trong khi đó, Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng mới chỉ chuẩn bị xây dựng giai đoạn I, đoạn Dầu Giây - Tân Phú, vốn đầu tư khoảng 7.974 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT.

Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong, sau gần 10 năm có chủ trương đầu tư và sau hơn 3 năm kể từ khi được gọi vốn đầu tư trở lại, vẫn đang giậm chân tại chỗ. Đúng ra là cuối năm 2014, JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) đã cùng Petrolimex đã ký thỏa thuận chiến lược, mở đường cho đối tác này tham gia Dự án Lọc dầu Nam Vân Phong. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả thời điểm triển khai Dự án cũng chưa được xác định. Hơn nữa, trong bối cảnh giá dầu giảm như hiện nay, nguy cơ “đứt gánh giữa đường” của dự án này cũng đã được dư luận đồn đoán…

Dự án Trung tâm Điện lực Bình Định cũng không khá hơn, khi lâm cảnh dở dang. Trước đây, Dự án do Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) làm chủ chủ đầu tư, song vì không triển khai, nên Bình Định tính thu hồi và kêu gọi nhà đầu tư khác…

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Dù thời gian còn nhiều, nhưng rõ ràng, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài theo Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 là không hề dễ dàng. Đúng là Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, con số đã lên tới trên 23,36 tỷ USD - chứng minh sức hút lớn của điểm đến Việt Nam.

Nhưng trong khi nhiều dự án quan trọng quốc gia chưa thu hút được, thì có một thực tế mà như Báo Đầu tư đã thông tin, là còn khá nhiều dự án quy mô nhỏ đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đây là một hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, dù thực tế là dự án nhỏ không hẳn là không tốt.

Trong Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư quốc gia, cũng có những dự án với vốn đầu tư chỉ vài triệu USD, như Khu dân cư và Trường đại học Quốc tế Hóc Môn (TP.HCM, 3,5 triệu USD), Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 Cần Thơ (10,2 triệu USD), hay Dự án Trung tâm Chế biến hạt giống khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (6 triệu USD)…

Quay trở lại với thời điểm năm 2014, khi Danh mục chính thức được ban hành, không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự băn khoăn về việc quan trọng là liệu các nhà nhà đầu tư nước ngoài có lựa chọn các dự án này để đầu tư hay không. Bởi danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đã từng nhiều lần được ban hành, nhưng giữa thực tế đầu tư và danh mục luôn tồn tại một sự khác biệt đáng kể.

Do đó, câu chuyện cần đặt ra trong lúc này là làm sao, trong thời gian hơn 3 năm còn lại, có thể thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài theo Danh mục, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Xây dựng đề án kêu gọi đầu tư cụ thể cho từng dự án, các cơ chế, chính sách ưu đãi ra sao, làm sao để đôi bên cùng có lợi, là điều cũng cần được tính đến, nhằm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn và nhờ thế, đường đến mục tiêu 2020 trở nên gần hơn!

Một số dự án quy mô lớn trong Danh mục Dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài

 Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, với vốn đầu tư 5,62 tỷ USD; 

Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (3,52 tỷ USD); 

Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và Thanh Hóa - Nghi Sơn (1,867 tỷ USD); 

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (5 tỷ USD);

Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (2,3 tỷ USD);

Trung tâm Điện lực Bình Định (4 tỷ USD);

Nhà máy Lọc dầu Nam Vân Phong (8 tỷ USD);

Khu du lịch Dankia - Đà Lạt (2 tỷ USD);

Tuyến đường sắt đô thị số 6 TP.HCM (1,25 tỷ USD)…

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục