Vốn đầu tư mới tăng mạnh
Những tín hiệu khả quan của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được hé lộ, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm vào cuối tuần qua.
Tính đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 10,86 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8%; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 5 tháng, chỉ còn vốn điều chỉnh là giảm so với cùng kỳ năm trước, còn vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng. Thậm chí, tín hiệu là khá tích cực, bởi theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, mức tăng vốn đầu tư mới sau 5 tháng đã cao hơn so với mức tăng của 4 tháng (11%). Số dự án đăng ký mới trong 5 tháng cũng tăng mạnh so với cùng kỳ (66,4%), đạt 962 dự án.
“Việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ và vừa tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.
Tương tự, vốn đầu tư điều chỉnh tuy vẫn giảm so với cùng kỳ (giảm 59,4%), do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn, song mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ) thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng, tăng 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm.
“Điều này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD - mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm.
Như vậy, dù vẫn đang nằm trong xu hướng chung là chậm lại, song tình hình đang dần trở nên khả quan hơn. Điều này đã thêm một lần nữa khẳng định rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài đang chậm lại không phải là do Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh, mà là do xu thế chung của dòng đầu tư toàn cầu.
Bất ổn kinh tế, bất ổn địa chính trị… là những điều được nhắc tới lâu nay. Và gần đây, là câu chuyện liên quan đến việc một số quốc gia sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Chính Cục Đầu tư nước ngoài, trong báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tháng 5/2023, đã lại một lần nữa nhận định rằng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, thì “các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”.
Số liệu thống kê mới nhất về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay đã cho thấy những tín hiệu khả quan khi vốn cấp mới và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Gia tăng năng lực cạnh tranh để thu hút FDI
Dù xu thế đã được cải thiện, và dù theo như báo cáo gần đây của VinaCapital, rằng “đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định”, song rõ ràng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng gay gắt. Nếu không kịp thời gia tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam có thể bị “hụt hơi” trong cuộc đua này.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital nhấn mạnh về sự xuất hiện của hai yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đó là Việt Nam có thể đang mất đi sự cạnh tranh về thu hút đầu tư nước ngoài so với Ấn Độ, Malaysia, Indonesia; Việt Nam có thể cũng sẽ bị giảm sức hấp dẫn do cơ chế mới về thuế tối thiểu toàn cầu.
Dù các khẳng định sau đó của ông Michael Kokalari đều cho thấy, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty đa quốc gia đang tìm cách sản xuất để xuất khẩu và tìm kiếm một cơ sở sản xuất thay thế, hoặc bổ sung cho Trung Quốc trong tương lai gần, song đó vẫn là những vấn đề được cả các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách quan tâm.
Từ năm ngoái và kéo sang cả Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XV, các báo cáo của Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều bày tỏ sự lo lắng về xu hướng sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt với vốn đầu tư mới. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối tháng Tư vừa qua đã có cuộc đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài và sau đó, cách đây ít ngày, đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, mà một trong số đó là phải đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất - kinh doanh; cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Trong nhóm các nhiệm vụ, giải pháp này, đáng chú ý có việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; chuẩn bị sẵn các điều kiện về đất đai, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng…; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Thực tế, khi báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã chỉ ra rằng, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như Hà Nội, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng…
Trong số các địa phương này, Bắc Ninh nhiều năm nay đang nổi lên là một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài. Rất nhiều tên tuổi lớn, như Samsung, Foxconn… và mới đây, là Amkor đã chọn Bắc Ninh là điểm đến.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô cập nhật tháng 5/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhắc đến sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả vốn giải ngân, trong những tháng qua. Tuy nhiên, theo WB, việc này có thể xuất phát từ “sự thận trọng của các nhà đầu tư do những bất ổn toàn cầu gây ra”.
Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, một trong những lý do để Bắc Ninh được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và đánh giá cao là vì tỉnh luôn nỗ lực đồng hành, sát cánh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
“Thông điệp xuyên suốt của chúng tôi là ‘Bắc Ninh luôn sẵn sàng cùng doanh nghiệp’, sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ. Bắc Ninh cũng xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, mở đường, dẫn dắt, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, Bắc Ninh cũng luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính là “không có điểm dừng”, theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Bắc Ninh đang đi đúng hướng. Những giải pháp mà họ thực hiện đúng như với tinh thần Chỉ thị mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Nếu địa phương nào cũng có thể làm được điều đó, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam.
“Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhưng trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu đang có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao, thì cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước đang phát triển sẽ diễn ra rất quyết liệt”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh như vậy.
Theo Bộ trưởng, để có thể đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn các điều kiện, như mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị…
“Phải chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Sẵn sàng các cơ chế mới để đón “đại bàng”
Khi mối lo về sự “chần chừ” của các tập đoàn lớn là hiện hữu, thì Việt Nam phải làm sao để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm dốc nguồn vốn lớn. Khi tập đoàn lớn đổ vào Việt Nam, thì cơ hội để “nâng chất” dòng vốn là rất lớn.
Chuẩn bị các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập là điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Sau những lo lắng của nhà đầu tư và của Chính phủ, thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cũng đã nhấn mạnh việc phải khẩn trương đề xuất giải pháp, chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, trong đó có các quy định về phòng cháy, chữa cháy… Đây chính là những vấn đề mà tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 4/2023, các nhà đầu tư nước ngoài nhắc đến rất nhiều.
Dù phải cuối năm nay, nhà máy sản xuất bán dẫn của Amkor tại Bắc Ninh mới đi vào hoạt động, nhưng ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam đã không khỏi lo lắng. Chính vì thế, ông Kim Sung Hun đã đề nghị cần đưa ra các quy chuẩn rõ ràng, chi tiết hơn về phòng cháy, chữa cháy…, và đặc biệt là Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng xấu đi của môi trường đầu tư trong khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Bởi thế, việc Thủ tướng Chính phủ có động thái quyết liệt trong tìm ra các giải pháp để “gỡ rối” cho vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
“Thuế tối thiểu toàn cầu khó có khả năng cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do thực tế là các ưu đãi về thuế không phải là điểm thu hút chính để thành lập nhà máy ở Việt Nam. Hơn nữa, chúng tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam giống như các chính phủ khác trong khu vực, sẽ tìm ra giải pháp thay thế về cơ bản để cân bằng các nghĩa vụ về thuế khi thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai”, ông Michael Kokalari nói.
Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tiếp cận, trao đổi với các tập đoàn lớn về các gói ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao; xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế mà không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu cũng như nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp…
Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023.