Tái định vị lợi thế đầu tư
Trong nhiều thập niên, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dồi dào là 2 lợi thế cạnh tranh then chốt giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư. Ngày nay, yếu tố bền vững và thuyết phục hơn đang dần thay thế, đó là “uy tín thể chế”. Sự dịch chuyển mang tính nền tảng này không còn chỉ là lý thuyết, mà thực tế đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy điều đó.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ, đạt 21,52 tỷ USD. Con số này cho thấy, Việt Nam đang khẳng định vai trò là điểm đến đầu tư trọng yếu trong khu vực, trong bối cảnh các quốc gia như Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng 34% trong 5 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý không chỉ nằm ở các con số, mà còn là những chuyển biến sâu sắc về cải cách chính sách, nâng cấp hạ tầng và văn hóa minh bạch thủ tục hành chính đang tái định hình toàn bộ hệ sinh thái đầu tư của Việt Nam.
Môi trường đầu tư của Việt Nam từ lâu đã nổi bật nhờ sự năng động và đầy tiềm năng. Giờ đây, Việt Nam đang chủ động chuyển mình theo hướng dựa trên tính dự đoán, minh bạch và xây dựng lòng tin. Việc chuyển từ các thỏa thuận phi chính thức, mang tính ứng biến sang hệ thống dựa trên luật lệ rõ ràng đang làm thay đổi cách nhà đầu tư nhìn nhận và tương tác với thị trường Việt Nam.
Đây không chỉ là điều kiện để thu hút thêm dòng vốn, mà còn là chìa khóa để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hạn - những người coi trọng sự chắc chắn và môi trường vận hành minh bạch. Việt Nam đang dần chuyển mình từ một “công xưởng giá rẻ” thành điểm đến của dòng vốn chất lượng, có giá trị gia tăng cao và mang tính bền vững.
Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách hành chính, phản ánh hai động lực song hành: yêu cầu trong nước về cải thiện hiệu quả quản trị và kỳ vọng quốc tế trong bối cảnh đầu tư toàn cầu ngày càng phức tạp, đặc biệt sau diễn biến liên quan đến Chính sách Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS 2.0).
Chính phủ đã có những động thái quyết liệt. Theo Bộ Nội vụ, trong năm 2025, một đợt tái cơ cấu lớn các cơ quan hành chính trung ương đã được thực hiện, qua đó cắt giảm khoảng 20% số lượng bộ và cơ quan ngang bộ. Đáng chú ý, có 5 bộ, 4 cơ quan quản lý chuyên ngành và 5 cơ quan báo chí quốc gia đã được sáp nhập.
Những nỗ lực này không mang tính hình thức, mà thể hiện sự tái định nghĩa căn bản vai trò của Nhà nước - từ một “người gác cổng” thận trọng truyền thống trở thành một “người kiến tạo” linh hoạt, minh bạch và phản ứng nhanh. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển đổi từ hệ thống vận hành mang tính tùy nghi, phi chính thức sang cơ chế có cấu trúc rõ ràng và dự đoán được. Đó là nền tảng cho việc xây dựng niềm tin thể chế bền vững trong dài hạn.
|
Việt Nam đang dần chuyển mình từ một “công xưởng giá rẻ” thành điểm đến của dòng vốn chất lượng, có giá trị gia tăng cao và mang tính bền vững. Ảnh: Đức Thanh |
Tái cấu trúc để củng cố lòng tin
Hành trình xây dựng “chính quyền thông minh” tại Việt Nam được đặt nền móng bởi Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử đến năm 2030, được ban hành từ năm 2021. Mục tiêu là chuyển đổi số hoàn toàn các dịch vụ công vào cuối năm 2025, xây dựng chính phủ và xã hội số đến năm 2030.
Các khía cạnh vận hành được cụ thể hóa bằng các quy định như bộ tiêu chuẩn thống nhất và thời hạn xử lý thủ tục hành chính ban hành năm 2024. Trong đó, những lĩnh vực từng là “điểm nghẽn” lớn với nhà đầu tư - cấp phép và quản lý đất đai - đang được tái thiết quy trình một cách chi tiết. Nếu trước đây, sự mơ hồ và yếu tố tùy nghi là phổ biến, thì hiện tại, Việt Nam hướng tới các quy trình chuẩn hóa, có thể lặp lại và tích hợp công nghệ số.
Dù việc triển khai có khác biệt giữa các địa phương và vẫn đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật, song cách tiếp cận tổng thể là rõ ràng: cải cách thực chất, liên tục, gắn với hiện đại hóa hạ tầng và phù hợp với bối cảnh địa phương. Chuyển đổi này tạo ra một tầng hạ tầng mềm, gọi là “hạ tầng niềm tin” - giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Việt Nam đang đặt tính minh bạch, thống nhất quy trình và khung pháp lý có thể thực thi vào trung tâm chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang đặt tính minh bạch, thống nhất quy trình và khung pháp lý có thể thực thi vào trung tâm chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường pháp lý được điều chỉnh để gắn kết hơn với các ưu tiên về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), mục tiêu chuyển đổi số. Các tiêu chí về ngành nghề ưu tiên và dự án chiến lược nay đã rõ ràng hơn, thay vì quá rộng như trong các hiệp định chung của ASEAN như trước đây.
Hai lợi thế nổi bật từ sự thay đổi này, bao gồm tăng khả năng tương thích với chuẩn thuế toàn cầu, nhất là các quy định của OECD về thuế tối thiểu toàn cầu (Pillar Two), đã được Việt Nam luật hóa trong năm 2023, từ đó giúp doanh nghiệp giảm bất định tài khóa và tránh rủi ro tranh chấp thuế quốc tế và gửi thông điệp mạnh mẽ tới nhà đầu tư chiến lược rằng, Việt Nam nghiêm túc với cải cách thể chế và tôn trọng luật chơi.
Đối với nhiều nhà đầu tư lớn, sự chắc chắn trong thể chế và các quy định giờ đây quan trọng không kém các yếu tố truyền thống như lao động, vị trí địa lý, hay tích hợp chuỗi cung ứng. Điều này cho thấy, Việt Nam không còn cần là thị trường dễ dãi nhất, mà có thể là thị trường đáng tin cậy nhất. Lợi thế cạnh tranh mới là nâng chuẩn minh bạch, chứ không hạ rào cản. Và mô hình này sẽ hấp dẫn những doanh nghiệp thực sự có tầm nhìn dài hạn.
Để đầu tư thành công tại Việt Nam ngày nay phụ thuộc vào việc xử lý sự phức tạp của quy định, cũng như việc xác định tiềm năng thị trường. Theo đó, các nhà đầu tư hiệu quả cao ngày càng áp dụng nhiều “chiến lược ba trụ cột”.
Thứ nhất là thẩm định số (Digital Due Diligence), với việc sử dụng công cụ số và phân tích dữ liệu để đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro pháp lý, thị trường và vận hành. Điều này bao gồm kiểm tra thực tế hiệu quả của hệ thống cấp giấy phép trực tuyến, tính nhất quán về thủ tục và chất lượng hạ tầng ở từng địa phương, không chỉ trên hình thức mà trong công việc hàng ngày.
Thứ hai là hợp tác với các đơn vị tư vấn pháp lý uy tín trong nước. Các chuyên gia địa phương hiểu rõ cách diễn giải quy định, các thực tiễn ngầm và kỳ vọng phi chính thức. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc “dịch” quy định thành chiến lược vận hành hiệu quả.
Thứ ba là khung ESG vững chắc - điều không thể thiếu. Từ năm 2021, báo cáo ESG là bắt buộc với các công ty niêm yết. Việt Nam cũng đang xây dựng khung yêu cầu công bố thông tin rộng hơn, dù chưa công bố lộ trình đầy đủ. Việc chủ động giám sát ESG giúp doanh nghiệp phù hợp với cả chuẩn hiện tại và yêu cầu tương lai.
Những nhà đầu tư chấp nhận đi sâu vào thực tế thể chế Việt Nam, kiên trì tìm hiểu sự kết hợp đặc thù giữa chính sách và thực tiễn thường có khả năng vượt trội trong dài hạn. Sự thấu hiểu địa phương, được tích lũy qua quá trình đồng hành, là tài sản quý để xử lý các vấn đề nảy sinh phức tạp và khai mở các cơ hội mới.
Tăng tốc, song không vội vã
Việt Nam hôm nay mang dáng dấp của tinh thần cải cách từ thập niên 1980, thực tế, tiến bộ và phi ý thức hệ. Thay vì bị động trước sức ép bên ngoài, Việt Nam chủ động kiến tạo một nền tảng thể chế vững chắc và đáng tin cậy. Chính phủ chủ động xây dựng một nền tảng thể chế vững chắc và đáng tin cậy hơn, thay vì chỉ đơn thuần ứng phó với áp lực bên ngoài.
Dù sự thay đổi trên có thể tạm thời kéo dài một số quy trình hành chính, hoặc đòi hỏi các điều chỉnh mới về thủ tục, nhưng cũng đặt nền tảng cho một điều có giá trị hơn nhiều - “niềm tin thể chế bền vững”.
Niềm tin này không chỉ đơn thuần là giảm thiểu rủi ro ngắn hạn, mà còn tạo ra môi trường mà các nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể tự tin thực hiện các cam kết dài hạn. Việt Nam không còn cạnh tranh chủ yếu dựa vào chi phí. Tài sản cốt lõi của Việt Nam chính là uy tín.
Sự thay đổi chiến lược này là điều kiện tiên quyết để Việt Nam thu hút và giữ chân dòng vốn chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới công nghệ và tăng trưởng toàn diện. Trong bối cảnh đang tiến tới hội nhập sâu hơn với các hệ thống chuẩn mực toàn cầu, bao gồm mở rộng khuôn khổ công bố ESG, Việt Nam đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: “Không chỉ mở cửa kinh doanh, Việt Nam cam kết xây dựng một thể chế đủ mạnh để hiện thực hóa những khát vọng kinh tế lớn nhất”.