
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Bộ NN&PTNT, tính đến cuối năm 2024, xuất khẩu dừa tươi của nước ta đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với năm trước. Tính chung, xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 20% so với năm 2023.
Đây là năm đầu tiên, dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa đem lại kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính của ngành dừa, chiếm 25% trị giá xuất khẩu dừa của Việt Nam. Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường tỷ dân là Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết vào tháng 8/2024.
Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi chính ngạch mở ra cơ hội lớn cho loại trái này. Việt Nam hiện là nhà cung cấp dừa lớn thứ ba cho Trung Quốc. Dừa tươi Việt Nam cũng được xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Mỹ, Canada và Hàn Quốc...
Dừa tươi là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu rất lớn, là cây trồng có thế mạnh và đang mang lại thu nhập cho người dân tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Hiện, Việt Nam có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000 ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn. Trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn, 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa.
Theo Bộ NN&PTNT, Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả dừa tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho trái dừa tươi.
Đón lõng cơ hội tăng tốc xuất khẩu dừa tươi và sản phẩm chế biến từ dừa, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào các nhà máy chế biến dừa xuất khẩu. Trong đó, Vina T&T Group hiện đang xuất khẩu dừa tươi tới nhiều thị trường, trong đó, những thị trường trọng điểm là Mỹ và Canada.
Đặc biệt công nghệ bảo quản của Vina T&T hiện đã giúp bảo quản trái dừa tươi được 80 ngày. Với thời gian bảo quản như vậy, dừa tươi Việt Nam do Vina T&T xuất khẩu hiện đã có thể vận chuyển đi hầu khắp các thị trường trên thế giới mà chất lượng vẫn bảo đảm.
Năm 2025, xuất khẩu của dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa tiếp tục tăng trưởng 2 con số nhờ thị trường Trung Quốc cùng nhiều thị trường lớn khác tăng nhập khẩu và năng lực cung ứng của ngành sản xuất chế biến nội địa tiếp tục được củng cố.
Việt Nam đang có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa. Dự báo, mốc 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dừa không còn quá xa.