Thu hồi nợ “án binh bất động”

0:00 / 0:00
0:00
Từ khi Covid-19 tái bùng phát, công tác thu hồi nợ gặp khó khăn, thậm chí “án binh bất động”, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động tăng năng lực dự phòng rủi ro, nên không bị ảnh hưởng lớn.
Nhiều ngân hàng đang rốt ráo trích lập dự phòng rủi ro. Nhiều ngân hàng đang rốt ráo trích lập dự phòng rủi ro.

Áp lực thu hồi nợ

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP OCB cho hay, Covid-19 khiến việc thu nợ của ngân hàng gặp khá nhiều khó khăn.

“Hiện tại, các cán bộ đi thu nợ ở một số tỉnh phải quay về và hối thúc việc trả nợ qua điện thoại. Nhiều khách hàng có ý thức trả nợ tốt, nhưng cũng có khách hàng không trả được nợ. Trong số đó, có những doanh nghiệp đang thực sự rất khó khăn, không thể trả được nợ, song cũng không loại trừ những trường hợp cố tình chây ỳ. Nhìn chung, ngân hàng sẽ chịu áp lực lớn về nợ xấu và thu hồi nợ trong thời gian tới”, ông Tùng chia sẻ.

Trên thực tế, ngay cả những khoản nợ xấu đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và chỉ việc khởi kiện để thu giữ tài sản đảm bảo, hoặc chỉ cần rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi cũng gặp nhiều vướng mắc

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Ngân hàng Agribank cho hay, quý I/2021, hoạt động thu hồi nợ sau xử lý rủi ro của Agribank diễn ra rất tốt. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 tái bùng phát đầu tháng 5/2021 đến nay, hoạt động thu hồi nợ sau xử lý rủi ro (chủ yếu nhờ khởi kiện thu giữ và bán tài sản đảm bảo) chậm hẳn lại. Việc chuyển hồ sơ khởi kiện sang tòa án, thi hành án, rao bán tài sản đảm bảo… đều gần như đình đốn. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng ảnh hưởng đến khả năng tài chính của khách hàng, khiến việc xử lý tài sản đảm bảo thêm khó khăn.

Năm 2020, Agribank đặt mục tiêu thu hồi 12.000 tỷ đồng - 15.000 tỷ đồng nợ xấu (năm 2019, Ngân hàng thu được hơn 11.000 tỷ đồng nợ sau xử lý rủi ro). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động thu hồi nợ bị đình trệ, đến cuối năm 2020, Agribank chỉ thu hồi được khoảng 8.700 tỷ đồng.

“Người dân vay vốn vẫn được ngân hàng giải ngân bình thường bằng hình thức chuyển khoản, song công tác thu hồi nợ thì rất khó, nhất là tại các vùng bị dịch, bị phong tỏa. Hơn nữa, dịch bệnh khiến nông sản khó tiêu thụ, các khu công nghiệp đóng cửa… cũng ảnh hưởng đến nguồn trả nợ ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết.

Tăng dự phòng, ngân hàng tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp

Cho vay và thu hồi nợ là hai hoạt động song song của ngân hàng. Dịch bệnh Covid-19 quay lại vừa ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, vừa ảnh hưởng đến nợ xấu và công tác thu hồi nợ của ngân hàng. Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng tỏ ra lạc quan, bởi trong năm 2020 đã tăng năng lực dự phòng rủi ro, cộng thêm những kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nợ xấu thời điểm này có nguy cơ tăng cao hơn. Đây cũng là lúc các ngân hàng phải dùng “năng lượng dự trữ” của mình như quỹ dự phòng, lợi nhuận… để bù đắp tổn thất có thể xảy ra.

“Nợ xấu có thể tăng, nhưng các ngân hàng có đủ điều kiện để bù đắp rủi ro, nên sẽ không ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính. Đáng mừng là, khả năng bù đắp rủi ro của ngân hàng ở giai đoạn này, theo tôi, lạc quan hơn giai đoạn trước nhiều. Mấy năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng rất khởi sắc, cộng hưởng với chính sách thận trọng của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với việc chia cổ tức, nhất là bằng tiền mặt, vô hình trung đã củng cố năng lực tài chính, tạo nền tảng hoạt động bền vững cho các ngân hàng”, ông Tùng đánh giá.

Lãnh đạo Agribank cũng cho hay, dịch bệnh đang tác động trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng. Đơn cử, Bắc Giang đang là tâm dịch, nếu tiêu thụ vải thiều gặp khó khăn, dư nợ cho vay của Agribank cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Phượng khẳng định, Agribank đang nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng, như cơ cấu nợ, giảm lãi vay, đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước…

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN kéo dài thời hạn cơ cấu nợ, giãn thời gian trích lập dự phòng nợ cơ cấu thành 3 năm hỗ trợ rất lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp không chỉ được giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, mà quan trọng hơn là được tiếp tục vay mới. Còn ngân hàng vừa không bị nợ xấu tăng lên đột ngột, vừa có thời hạn 3 năm để trích lập dự phòng.

Tuy vậy, nhiều ngân hàng không cần đến cơ chế ưu đãi này, mà đang rốt ráo trích lập dự phòng rủi ro. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Phượng cho biết, năm nay, Agribank dự kiến trích lập dự phòng rủi ro xong toàn bộ nợ cơ cấu theo quy định của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này cũng đã được nâng lên 120%, thay vì 101% như năm 2019.

Trước đó, Vietcombank cũng cho biết sẽ hoàn thành trích lập rủi ro 100% nợ cơ cấu trong năm nay.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, nợ xấu chắc chắn chịu nhiều áp lực tăng trong năm 2021, nhưng cũng không nên quá lo, bởi các ngân hàng cũng lường trước tình huống này, nên đã có sự chuẩn bị thông qua việc quyết liệt xử lý nợ xấu tồn đọng và tăng trích lập dự phòng rủi ro. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, thì ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục