Thu hẹp TTCK tự do: Những tranh luận trái chiều

(ĐTCK-online) Thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường được quản lý là một trong những mục tiêu lớn mà Bộ Tài chính, UBCK hướng đến trong nhiều năm vận hành thị trường vừa qua. Tính đến ngày 23/9/2010, TTCK Việt Nam đã có 600 DN niêm yết trên 2 Sở, 99 DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và trên 1.000 công ty đại chúng đã đăng ký với UBCK.
Các giao dịch trên thị trường tự do thông tin không có các cơ sở pháp lý đầy đủ dẫn tới có rất nhiều rủi ro Các giao dịch trên thị trường tự do thông tin không có các cơ sở pháp lý đầy đủ dẫn tới có rất nhiều rủi ro

Ngoài số công ty này, theo ước tính Việt Nam còn khoảng gần 4.000 DN đại chúng chưa niêm yết, có cổ phiếu đang được giao dịch trôi nổi trên thị trường tự do. Để tiếp tục thực hiện việc đưa chứng khoán của các DN đại chúng chưa niêm yết lên sàn, dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ trình Quốc hội vào ngày 20/10 tới có thêm quy định, khi DN đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, DN đồng thời phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại một thị trường giao dịch có tổ chức. Tuy nhiên, dự kiến này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Theo Ban soạn thảo dự Luật, Luật Chứng khoán hiện hành chưa có quy định nào buộc các công ty đại chúng phải đưa chứng khoán giao dịch vào thị trường có tổ chức, do vậy, các giao dịch chứng khoán được thực hiện ở cả thị trường có tổ chức và cả thị trường tự do. Các giao dịch trên thị trường tự do dựa trên các thông tin không đầy đủ, không chính thống, thiếu tính minh bạch, không có các cơ sở pháp lý đầy đủ và  không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn tới có rất nhiều rủi ro như rủi ro trong thanh toán, rủi ro sở hữu…, chứa đựng nhiều nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ ảnh hưởng đến thị trường có tổ chức; đặc biệt là khi thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá. Do vậy, cần phải có quy định để điều chỉnh vấn đề này.

Tham khảo luật chứng khoán các nước cho thấy họ đều có quy định khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, DN phải đồng thời nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán tại một thị trường giao dịch có tổ chức. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này hiện nay có hai phương án khác nhau. Phương án thứ nhất cho rằng, việc giao dịch chứng khoán được coi là quyền tự do chuyển nhượng của các nhà đầu tư đã được Bộ Luật dân sự và Luật Doanh nghiệp quy định, Luật Chứng khoán không nên quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành phải có phải có phương án niêm yết/đăng ký chứng khoán giao dịch tại thị trường có tổ chức.

Phương án thứ hai thì nhận định, cần thiết phải bổ sung trách nhiệm tổ chức phát hành trong việc đưa chứng khoán phát hành vào giao dịch tại thị trường có tổ chức. Quy định này là một trong những biện pháp để thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có tổ chức; nâng cao trách nhiệm của tổ chức phát hành chứng khoán, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo căn cứ pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trong giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của TTCK Việt Nam, Ban soạn thảo dự Luật lần này đã nhất trí với loại ý kiến thứ hai, theo đó, bổ sung quy định tổ chức phát hành phải cam kết đưa chứng khoán chào bán giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Quy định này hy vọng sẽ có tác động lớn đến việc thu hẹp thị trường tự do, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch chứng khoán trên thị trường này.

Tuy nhiên, ở cấp thẩm định Luật, mặc dù đồng tình với quan điểm cần thúc đẩy sự phát triển của TTCK có tổ chức, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và tăng tính thanh khoản cho chứng khoán, nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quy định như dự thảo Luật như trên là không có tính khả thi, vì hiện nay số lượng công ty đại chúng chưa tham gia giao dịch trên thị trường có tổ chức còn rất lớn (gần 4.000 công ty). Do vậy, cơ quan này cho rằng, chỉ nên áp dụng quy định này với những công ty có quy mô lớn, đồng thời đề nghị dự Luật bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với các đối tượng không thực hiện đúng quy định này.

 

Công ty đại chúng có phải áp dụng quy định chung về quản trị công ty?

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính, hiện có hai loại ý kiến:

 

Loại ý kiến thứ nhất không nhất trí với dự thảo Luật vì cho rằng, việc áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính chỉ nên áp dụng đối với các công ty có cổ phiếu niêm yết. Đối với các công ty đại chúng chưa niêm yết thì nên có quy định linh hoạt hơn.

 

Loại ý kiến thứ hai đồng tình với dự thảo Luật vì cho rằng, hiện có nhiều công ty đại chúng mặc dù chưa niêm yết nhưng có quy mô rất lớn, nếu không áp dụng các chuẩn mực về quản trị công ty sẽ không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Hơn nữa, quy định này sẽ góp phần thúc đẩy việc đưa các công ty đại chúng vào giao dịch trên thị trường giao dịch có tổ chức. Được biết, các vấn đề này sẽ được đem ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 20/10 tới.

 

Hàn Tín
Hàn Tín

Tin cùng chuyên mục