Chiều 17/11 trước khi họp phiên bế mạc, 443/466 đại biểu Quốc hội đã nhấn nút tán thành khi biểu quyết Luật Bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
Giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư
Do còn nhiều ý kiến trái chiều, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội 4 nội dung của dự thảo Luật này, trong đó có quy định về đối tượng thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Phương án 1: Tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đây là nội dung trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoặc báo cáo đề xuất thực hiện dự án đầu tư.
Phương án 2: Là phương án tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, theo đó, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Kết quả xin ý kiến: 210/387 vị đại biểu hồi âm đồng ý phương án 1; 173/387 vị đồng ý phương án 2.
Cả 2 phương án đều chưa quá bán tổng số đại biểu và không có sự khác biệt nhiều, Chính phủ có công văn đề nghị thực hiện theo phương án 2, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện như tại Điều 29 của Dự thảo Luật. Theo đó, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Phương án này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường ở ngay giai đoạn này.
Quy định tại Điều 29 là thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hẹp hơn so với quy định của Luật Đầu tư công.
Vì thế, để bảo đảm tính thống nhất, tại khoản 3 Điều 169 Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm g, khoản 2 Điều 30 và khoản 6 Điều 31 của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết.
Sau khi xin ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng các tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Theo đó, việc phân nhóm dự án đầu tư được thực hiện theo tiêu chí về môi trường bảo đảm chính xác và khả thi hơn, phân thành 4 nhóm I, II, III và IV. Dự thảo Luật cũng định danh cụ thể tiêu chí của từng nhóm để làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III.
Hết năm 2024 phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Liên quan đến quy định mới về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, Dự thảo Luật chỉ đưa ra nguyên tắc để chính quyền địa phương xây dựng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý, trong quá trình xây dựng thì sẽ căn cứ vào các yếu tố khác như công nghệ, cách thức thu gom, tổ chức để đưa ra quy định cho phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đến ngày 31/12/2024 là quá lâu, cần xem xét quy định lộ trình thực hiện sớm hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên trì quan điểm cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi, nếu quy định sớm hơn thì nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện.
Do đó, dự thảo luật quy định lộ trình thực hiện việc phân loại và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024 là phù hợp.
Về kiểm toán môi trường, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm kiểm toán việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; kiểm toán về kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải. Đồng thời đã tiếp thu, bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán trong lĩnh vực môi trường theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và pháp luật có liên quan.
Lần sửa đổi này, thông tin về chất lượng môi trường, đánh giá tác động môi trường sẽ công khai hơn.
Cụ thể luật quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật của doanh nghiệp, nhà nước. Quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân công bố thông tin chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước đã được bỏ.