Điểm mới trong dự thảo là các TCTD cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ vay. Theo giới chuyên gia, điều này không đi ngược với chủ trương hạn chế tình trạng đô-la hóa của Chính phủ, NHNN vì ngoại tệ không được đưa vào lưu thông trên thị trường, mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi tiết hơn theo hướng giám sát chặt nguồn ngoại tệ vay và trả, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch mua - bán ngoại tệ… Dù vậy, theo tinh thần của NHNN, chính sách mới sẽ tiếp tục nhấn mạnh định hướng lâu dài, chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Tín dụng ngoại tệ các tháng đầu năm 2018 cho thấy, cho vay ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây chủ yếu do tỷ giá ổn định, dẫn đến có lợi khi vay ngoại tệ ngắn hạn do lãi suất ngoại tệ vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VND. Vì vậy, nhà điều hành ngân hàng cho rằng, tín dụng ngoại tệ ngắn hạn cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy có sự sụt giảm trong quý III/2018, nhưng cho ngoại tệ trong 9 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng cao cho thấy, nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp vẫn rất lớn. Thống kê cho thấy, Vietcombank là ngân hàng huy động lượng tiền gửi bằng USD lớn nhất, quy đổi theo VND đạt 141.136 tỷ đồng. Tiếp đến là VietinBank và BIDV với lượng tiền gửi bằng USD lần lượt đạt 46.833 tỷ đồng và 37.852 tỷ đồng.
Cùng với việc dẫn đầu huy động, Vietcombank cũng là ngân hàng cho vay bằng USD nhiều nhất, quy đổi ra VND là 97.443 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2018. VietinBank đứng thứ hai với 91.014 tỷ đồng. Dù vậy, so với tổng dư nợ, tỷ lệ cho vay USD ở các nhà băng hiện vẫn thấp. Chẳng hạn, tại Vietcombank, tỷ lệ này ở mức 15% tổng dư nợ, VietinBank là 10%, MB là 11%… Với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, tỷ lệ này còn thấp hơn, như VIB là 6%,
Techcombank là 5,6%...
Sở dĩ cầu về tín dụng ngoại tệ luôn tăng, một phần do lãi suất VND-USD chênh lệch lớn. Theo NHNN, lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến hiện ở mức 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm đối với ngắn hạn, từ 4,5-6%/năm đối với trung - dài hạn.
Những dấu hiệu bất ổn bắt đầu xuất hiện từ quý III/2018 khi các chỉ số vĩ mô trong nước chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, hay việc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD, kéo tỷ giá USD/VND tăng mạnh.
Điều này khiến doanh nghiệp bắt đầu dè dặt hơn trong việc đi vay USD, bởi nếu đồng USD lên giá quá nhanh, doanh nghiệp sẽ không còn được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất như trước, chưa kể rủi ro tỷ giá được dự báo sẽ còn hiện hữu vào thời điểm cuối năm.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, dù tín dụng ngoại tệ đang tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp hút được nhiều vốn rẻ, nhưng cũng cần thận trọng khi lộ trình tăng lãi suất của Fed còn 1 lần năm nay và tối thiểu 3 lần trong năm tới.
Việc xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn ít nhất sẽ tiếp tục triển khai đến hết tháng 3/2019 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
Về định hướng chung và lâu dài, lãnh đạo NHNN chia sẻ, vẫn hạn chế kênh tín dụng ngoại tệ. Chủ trương của NHNN trong thời gian tới là sẽ tiếp tục chọn lọc đối tượng vay ngoại tệ, cho dù vẫn gia hạn cho vay. Đồng thời, tiếp tục giữ lãi suất huy động USD ở mức 0%, kiên định thực hiện chủ trương chống tình trạng đô-la hóa, giảm găm giữ ngoại tệ.
Một chuyên gia tài chính khuyến nghị, cần phải lưu ý đến vấn đề thanh khoản bằng ngoại tệ do tín dụng USD tăng cao, trong khi huy động USD tăng chậm.
Đáng chú ý, Fed đã tăng lãi suất đồng USD lên 2,25-2,5%/năm và có lộ trình tăng thêm thời gian tới. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp đang vay vốn bằng đồng USD, nhất là doanh nghiệp vay USD với lãi suất thả nổi. Khi đó, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, doanh nghiệp có thể sẽ gặp vấn đề về thanh khoản.
Mặt khác, tỷ giá tăng vào cuối năm là mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn. Trong những ngày qua, tỷ giá tiếp tục chiều hướng tăng, giá USD tại ngân hàng đã chạm ngưỡng 23.300 đồng/USD. Standard Chartered dự báo, tỷ giá sẽ tăng lên 23.400 đồng/USD vào cuối năm nay.