Thu gom rác thải điện tử: Rác độc hại, được thu gom miễn phí

Chính phủ đã quy định, từ tháng 7/2015, các nhà sản xuất có trách nhiệm thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng, tuy nhiên vẫn có không ít doanh nghiệp không thi hành quyết định này, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Bà Miriam Lassernig, phát ngôn viên của Tổ chức Việt Nam Tái chế đã cho biết như vậy.
Thu gom rác thải điện tử: Rác độc hại, được thu gom miễn phí

Thưa bà, Việt Nam Tái chế vừa khởi động chiến dịch thu gom rác thải điện tử tại nhà 2017. Đâu là điểm nhấn của chương trình năm nay?

Trong chiến dịch năm nay, chúng tôi chỉ thu gom được một khối lượng nhỏ các thiết bị điện tử thải bỏ hoặc đã qua sử dụng, vì phần lớn các hộ gia đình đã đưa thiết bị cho chúng tôi từ đợt thu gom năm ngoái (tháng 10/2016) hoặc đã thải bỏ ở nơi khác, đặc biệt khi họ dọn dẹp nhà cửa cho Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, họ vẫn niềm nở và chào đón chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên liên lạc và tiếp xúc với người dân, không ngừng tuyên truyền với người dân về lợi ích của chương trình cho bản thân họ, cho gia đình họ và cho cả Việt Nam.

Năm nay, chúng tôi còn khởi động chiến dịch “10.000 cam kết” thải bỏ rác thải điện tử một cách có trách nhiệm. Theo đó, người dân có thể truy cập vào trang web của chương trình để viết cam kết bảo vệ môi trường, hoặc trực tiếp đến tham dự và viết cam kết tại Ngày hội Tái chế lần thứ 10.

Việt Nam Tái chế đã có mặt tại Việt Nam hai năm. Vậy hai năm qua, đã làm được những gì?

Việt Nam Tái chế bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 1/2015. Đây là chương trình thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi hoặc đã qua sử dụng nhằm mục đích đảm bảo quy trình tái chế rác thải điện tử an toàn và thân thiện với môi trường.

Thu gom rác thải điện tử: Rác độc hại, được thu gom miễn phí ảnh 1

Bà Miriam Lassernig, phát ngôn viên của Tổ chức Việt Nam Tái chế  

Sau hai năm, chúng tôi đã thiết lập được 10 điểm thu gom tại Hà Nội và TP.HCM, nơi người dân có nhiều rác thải điện tử nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tương tác với cộng đồng bằng việc tổ chức các hoạt động như tham gia Ngày hội Tái chế, thiết lập các điểm thu gom, triển khai chiến dịch Thu gom rác thải điện tử tận nhà…

Chúng tôi cũng đã điều hành một trang fanpage trên Facebook tên là Việt Nam Tái chế. Trang fanpage liên tục được cập nhật các thông tin mới và kêu gọi mọi người tái sử dụng/ tiết giảm/ và tái chế một cách có hiệu quả.

Chúng tôi tiếp cận được với 7.623 hộ gia đình và thu gom được 537 thiết bị thải bỏ. Hơn 5 tấn rác thải điện tử đã được thu gom và xử lý chuyên nghiệp bởi Việt Nam Tái chế.

Theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/7/2015, các nhà sản xuất có trách nhiệm thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng của họ. Vậy thì trong 2 năm qua, các nhà sản xuất đã thực hiện trách nhiệm này như thế nào ở Việt Nam?

Quyết định 16/2015/QĐ-TTg đã được ban hành nhưng không có hướng dẫn thực hiện đi kèm khiến cả Việt Nam Tái chế và các doanh nghiệp đều bối rối trong thực hiện. Khi những hướng dẫn cụ thể chưa có, một số doanh nghiệp có thể không chấp hành Quyết định, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dịch vụ của chúng tôi đã được triển khai và sẵn sàng phục vụ những công ty mong muốn trở thành tiên phong trong việc tái chế rác thải điện tử một cách có trách nhiệm.

Chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp và thu gom từ họ số lượng lớn các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng và gửi chúng đến các cơ sở tái chế chuyên nghiệp đạt tiêu chuẩn, được xác nhận bởi các nhà sản xuất của nền tảng tái chế Việt Nam.

Sẽ dễ dàng hơn nếu việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện ở các nước phát triển, còn ở Việt Nam, khi điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, nhận thức về bảo vệ môi trường vẫn còn hạn chế, thì làm sao để thu gom rác thải điện tử thành công?

Thách thức lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt tại Việt Nam là người tiêu dùng còn khá e ngại mang thiết bị điện tử đến chương trình vì cho rằng chúng tôi không mang cho họ lợi ích nào. Thực ra, chúng tôi phải mất nhiều chi phí để có thể áp dụng được quy trình tái chế chuyên nghiệp, cũng như các chi phí vận hành chương trình và bộ máy quản trị điều hành.

Để duy trì quy trình tái chế chuyên nghiệp, chúng tôi cần mọi người hiểu được rằng đây là một dịch vụ miễn phí, được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử. Việt Nam Tái chế chính là một món quà mà chúng tôi dành cho con người và môi trường Việt Nam.

Mặt khác, như đã nói ở trên, mặc dù Chính phủ đã ban hành quyết định 16/2015/QĐ-TTg nhưng lại chưa có hướng dẫn. Chúng tôi hy vọng rằng, khi các thông tư hướng dẫn được ban hành cùng với một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, sẽ có nhiều nhà sản xuất sẵn sàng tham gia và tài trợ cho chương trình của chúng tôi, làm tiền đề để chúng tôi phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Còn người dân, sẽ hiểu, tin tưởng và ủng hộ chúng tôi.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục