Thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa mặt cầu

0:00 / 0:00
0:00
Việc thông xe cầu Thăng Long sau 5 tháng sửa chữa mặt cầu bằng công nghệ mới sẽ giúp thông suốt trên tuyến vành đai 3 Hà Nội đoạn từ cầu Thanh Trì tới sân bay quốc tế Nội Bài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND TP Hà Nội thực hiện nghi thức thông xe Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND TP Hà Nội thực hiện nghi thức thông xe

Sáng nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức lễ thông xe Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng bằng nguồn vốn trong nước.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng là một trong những công trình giao thông nằm trên tuyến đường huyết mạch của thành phố Hà Nội, nối trung tâm Thủ đô với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng như kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Cầu Thăng Long được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1985, bao gồm 2 tầng là cầu đường bộ và đường sắt đi riêng.

Sau 35 năm khai thác, sử dụng với lưu lượng phương tiện ngày càng lớn, tải trọng phương tiện vượt quá thiết kế, đến nay phần lớp phủ mặt đường trên cầu và các khe co giãn đã xuất hiện hư hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khai thác và tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Chính vì vậy, việc sửa chữa cầu Thăng Long là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, đảm bảo đồng bộ, lưu thông thông suốt và đảm bảo ATGT trên tuyến đường Vành đai 3 của Tp. Hà Nội.

Rút kinh nghiệm sâu sắc sau những lần sửa chữa chưa thực sự triệt để trước đây nên đối với lần sửa chữa này, Bộ GTVT đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải lựa chọn được giải pháp sửa chữa đảm bảo tính hiệu quả, khai thác ổn định, lâu dài.

Sau khi được giao triển khai dự án sửa chữa cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học, nghiên cứu, thử nghiệm, học tập kinh nghiệm tại các công trình đã được sửa chữa thành công ở nước ngoài để tìm giải pháp phù hợp áp dụng trong sửa chữa mặt cầu.

Giải pháp là sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường. Sau khi hoàn thành rải bên tông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm.

Công tác triển khai thi công sửa chữa bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, sau 145 ngày liên tục, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã miệt mài thi công đã hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như hàn hơn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn cốt thép; rải 2.000 m3 bê tông siêu tính năng; quét keo epoxy dính bám và thảm 27.200 m2 bê tông nhựa polyme.

Với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm. Theo kết quả thử tải độ cứng của bản mặt cầu tăng lên khoảng 2 - 3 lần so với trước đây.

Dự án được hoàn thành kịp thời theo kế hoạch đã hoàn thành việc kết nối và phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai III đặc biệt sau khi đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2020;qua đó tăng cường năng lực lưu thông, góp phần khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục