Cầu Phước Lộc có chiều dài 386m bao gồm 13 nhịp bê tông cốt thép, mặt cắt ngang 10,5m. Cầu đảm bảo lưu thông cho 2 làn xe hỗn hợp cùng lề bộ hành và hệ thống lan can bảo vệ. Phần đường đầu cầu phía xã Phước Kiển dài 143m, phía xã Phước Lộc dài 180m. Dự án cầu Phước Lộc cũng gồm hợp phần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh.
Dự án có tổng mức đầu tư: 405 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng 230 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, di rời hạ tầng kỹ thuật 119 tỷ đồng. Để phục vụ xây dựng cầu Phước Lộc TP.HCM đã giải toả 90 hộ, trong đó có 9 hộ dân tái định cư.
Dự án đầu tư Xây dựng cầu Phước Lộc được phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008 với 5 gói thầu xây lắp. Tháng 6/2012, dự án được khởi công gói thầu xây lắp cầu chính kết cấu nhịp đúc hẫng cân bằng. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên gói thầu này phải tạm dừng thi công từ tháng 7/2013.
Tới tháng 7/2017, huyện Nhà Bè phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Xây dựng cầu Phước Lộc và tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Năm 2019, công tác giải phóng mặt bằng đã được đẩy nhanh tiến độ. Tới tháng 6/2020, công tác giải phóng mặt bằng được hoàn thành và được bàn giao cho chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) sau 7 năm đình trệ.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết sự kiện thông xe cầu Phước Lộc là sự nỗ lực rất lớn của các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư, các nhà thầu khắc phục nhiều khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe tuyến cầu chính phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trước Tết Nguyên Đán năm 2021.
Sau 7 năm đình trệ thi công vì lý do vướng mặt bằng, sự kiện thông xe cầu Phước Lộc mang tới rất nhiều niềm vui cho người dân và giúp tăng kết nối giao thương cho huyện Nhà Bè. Ảnh: Lê Toàn. |
Cầu Phước Lộc mới sẽ thay thế cầu hiện hữu. Cầu Phước Lộc cũ là cầu liên hợp dầm thép bản bê tông cốt thép dài 72m, mặt cầu chỉ rộng 2,3m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng. Quá trình sử dụng cầu Phước Lộc cũ khống chế phương tiện qua cầu, chỉ cho người và xe hai bánh lưu thông, tải trọng khống chế là 0,5 tấn. Do đó, trong nhiều năm việc lưu thông của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, đô thị hoá.