Thông tư 22/2019 là để kiểm soát tín dụng bất động sản tại ngân hàng yếu kém

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ, việc nâng hệ số rủi ro đối với tín dụng bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thể thực hiện Thông tư 41/2016 kể từ ngày 1/1/2020 do không được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ, hoặc năng lực tài chính yếu kém, đang phải thực hiện tái cơ cấu…
Tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu 
bất động sản có rủi ro cao, thời hạn vay dài, việc sử dụng vốn vay không tạo ra thu nhập, nguồn trả nợ chủ yếu từ các nguồn thu nhập khác của khách hàng... nên cần thận trọng. Tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu bất động sản có rủi ro cao, thời hạn vay dài, việc sử dụng vốn vay không tạo ra thu nhập, nguồn trả nợ chủ yếu từ các nguồn thu nhập khác của khách hàng... nên cần thận trọng.

Những thay đổi chính về hệ số rủi ro

Thông tư 22/2019 được NHNN ban hành ngày 15/11/2019 nhằm thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ 1/1/2020.

Được biết, Điểm 23, Phụ lục 2 về khoản phải đòi theo quy định hiện hành có hệ số rủi ro là 50%, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay.

Trong khi đó, quy định tại Phụ lục 2, Thông tư 22/2019 điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số khoản phải đòi (Mục 23 và 31), đối với hệ số rủi ro 50%, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: Thứ nhất, là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN quy định hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Thứ hai, là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ;

Thứ ba, là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng. Mỗi khách hàng chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho 1 khoản vay.

Đối với hệ số rủi ro 150%, các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50% tại điểm thứ ba trên đây).

Đối với hệ số rủi ro 100%, các khoản cho vay phục vụ đời sống có tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 4 tỷ đồng (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50% tại điểm thứ ba trên đây); khoản cho vay cá nhân để mua nhà ở không có tài sản bảo đảm là chính nhà ở đó.

NHNN cho biết, việc điều chỉnh này xuất phát từ việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường bất động sản, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng đề xuất tại Tờ trình số 175/TTr-BXD ngày 8/10/2018 của Bộ Xây dựng về “kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản...”.

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống, đặc biệt liên quan đến bất động sản, từ đó giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu.

NHNN cũng nêu rõ, quy định này chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa thể thực hiện Thông tư 41/2016 kể từ ngày 1/1/2020 do không được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ, hoặc năng lực tài chính yếu kém, đang phải thực hiện cơ cấu lại theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, nhằm tạo động lực cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phấn đấu sớm thực hiện yêu cầu về vốn theo thông tư này.

“Thông tư 22/2019 không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, nhà ở có tổng giá trị dư nợ gốc ban đầu dưới 1,5 tỷ đồng, cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi)”, NHNN nhấn mạnh.

Gián tiếp yêu cầu các tổ chức tín dụng dự trữ thêm vốn

Về lý do áp dụng hệ số rủi ro 150% đối với khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng từ 4 tỷ đồng trở lên, NHNN cho biết, diễn biến thị trường và triển vọng kinh tế cho thấy tín dụng tiêu dùng tiếp tục có xu hướng tăng và ở mức cao so với mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng có đặc thù rủi ro cao (đặc biệt là tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu bất động sản) do thời hạn cho vay thường dài hạn, việc sử dụng vốn vay tiêu dùng không tạo ra thu nhập, nguồn trả nợ chủ yếu từ các nguồn thu nhập khác của khách hàng..., nên việc mở rộng tín dụng tiêu dùng cần xem xét thận trọng để đảm bảo an toàn hoạt động của từng ngân hàng, cũng như toàn hệ thống.

“Trong thời gian vừa qua, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, bao gồm cả cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”, NHNN cho biết.

Cũng theo NHNN, song song với công tác thanh tra, giám sát, trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá về tín dụng tiêu dùng thời gian qua, Thông tư 22/2019 đã điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay cá nhân có tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng từ 4 tỷ đồng trở lên phục vụ nhu cầu đời sống nhằm đưa ra thông điệp về kiểm soát cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến thị trường bất động sản (nhất là phân khúc bất động sản có giá trị lớn), gián tiếp yêu cầu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dự trữ thêm vốn đối với bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Theo đó, hệ số rủi ro 100% vẫn được áp dụng đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống có tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng dưới 4 tỷ đồng - mức dư nợ theo đánh giá của NHNN là hợp lý để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân (cùng với số vốn tự có 30% thì khách hàng có thể mua được nhà ở có giá trị khoảng 2,1 tỷ đồng).

NHNN cũng cho biết, quy định mới ít ảnh hưởng đến các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có năng lực tài chính tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao, nhất là các TCTD đã áp dụng các quy định an toàn theo Thông tư 41/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), lý do bởi hệ số rủi ro của khoản cho vay bảo đảm bằng bất động sản, khoản cho vay thế chấp nhà sẽ phản ánh chính xác mức độ rủi ro của khoản vay (30%, 40%, 50%, 60%, 70%, 80%, 100%, 160%, 200%), phụ thuộc vào đặc điểm, cấu trúc của khoản vay (tỷ lệ bảo đảm của khoản vay (tỷ lệ bảo đảm (LTV) = tổng số dư khoản phải đòi/giá trị tài sản bảo đảm), tỷ lệ thu nhập của khách hàng (tỷ lệ DSC), mục đích sử dụng vốn vay.

“Đối với các TCTD có năng lực tài chính còn hạn chế, chưa đáp ứng Thông tư 41, thì việc áp dụng quy định mới là cần thiết nhằm yêu cầu các TCTD này phải kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực có rủi ro cao. Mặt khác, việc tăng hệ số rủi ro sẽ tạo động lực cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sớm chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng và tuân thủ chuẩn mực an toàn Basel II (cụ thể là Thông tư 41/2016) kể từ 1/1/2020”, NHNN nhấn mạnh.

Được biết, hiện có 14 ngân hàng được Thống đốc NHNN phê chuẩn áp dụng Thông tư 41/2016 trước thời hạn.

Đồng thời, theo báo cáo định kỳ hàng quý của toàn hệ thống, NHNN thấy rằng, hầu hết các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ thực hiện Thông tư 41/2016 đúng lộ trình hiệu lực, chỉ một vài ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt và đang cơ cấu lại danh mục tài sản, khó khăn về tài chính sẽ thực hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông tư này. Do đó, việc điều chỉnh hệ số rủi ro tại Thông tư 22/2019 không ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục