Theo quy định tại Nghị định 109, trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thì tiền thu từ cổ phần hóa để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá; phần thặng dư vốn (chênh lệch giữa tiền thu từ cổ phần hoá và tổng mệnh giá cổ phần phát hành thêm) được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hoá và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư. Số tiền còn lại (nếu có) để lại cho doanh nghiệp theo tỷ lệ tương ứng với cổ phần phát hành thêm trong cơ cấu vốn điều lệ. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng số tiền để lại cho công ty cổ phần. Trong đợt này, VCB sẽ đấu giá 9.750 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ, nếu chỉ tính giá trúng thầu bình quân là 120.000 đồng/CP thì số tiền thặng dư đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu VCB được giữ lại thặng dư từ đợt đấu giá, sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu sau khi cổ phần hóa, tăng giá trị sổ sách, như vậy rõ ràng cổ đông được lợi và đây là yếu tố tác động vào giá cổ phiếu, song tác động cỡ nào còn phụ thuộc thông tin cụ thể về thặng dư được để lại sau khi thông tin được công bố rõ ràng.
Từ nay cho đến khi đợt IPO diễn ra (ngày 26/12), cá nhân tôi cho rằng, tâm lý trên thị trường khó có chuyển biến mạnh mà vẫn dừng ở chờ đợi cầm chừng. Cũng có không ít nhà đầu tư băn khoăn, tại sao thông tin về VCB khá rõ ràng như vậy, mà thị trường vẫn đi xuống và liệu có tình trạng giá cổ phiếu bị kéo xuống thấp hay không? Câu trả lời của tôi là có khả năng, không phải bây giờ mà đã diễn ra trong thời gian gần đây. Nhiều quỹ đầu tư mới được thành lập và đã huy động vốn, hơn ai hết họ mong đưa thị trường về giá hợp lý để giải ngân.